MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc cải cách tiền lương chưa bảo đảm tiến độ đề ra. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Cải cách tiền lương chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu Nghị quyết số 27

PHẠM ĐÔNG - NGÔ CƯỜNG LDO | 06/11/2023 10:29

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc tinh giản biên chế vẫn còn mang tính cơ học và chủ yếu giảm từ số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu; việc cải cách tiền lương chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả

Sáng 6.11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm tạo sự lan tỏa, kết nối liên vùng.

Việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp, nhiều chỉ số quan trọng được cải thiện đáng kể.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các chính sách tiền tệ được thực hiện chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Việc xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo khá hiệu quả, tình trạng thao túng ngân hàng từng bước được kiểm soát; việc xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tín dụng tăng trưởng khá, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đã ban hành đầy đủ các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia cơ bản đáp ứng yêu cầu; việc triển khai thu phí không dừng đã thực hiện theo yêu cầu. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được tăng cường.

Trong lĩnh vực nội vụ, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đạt kết quả tích cực; việc phân cấp, phân quyền được quan tâm đẩy mạnh. Những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở từng bước được giải quyết.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Đông

Biên soạn và cung ứng sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bất cập

Về những hạn chế, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ rõ, với với lĩnh vực ngân hàng, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm.

Còn thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với lĩnh vực công thương, cung - cầu điện vẫn còn bất cập. Chưa cân đối được nguồn vốn và tháo gỡ vướng mắc để thực hiện Chương trình “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025”. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường.

Đối với lĩnh vực nội vụ, việc ban hành quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.

Việc tinh giản biên chế vẫn còn mang tính cơ học và chủ yếu giảm từ số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu. Việc cải cách tiền lương chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng thiếu trường lớp, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên chậm được khắc phục.

Việc biên soạn và cung ứng sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bất cập. Việc thực hiện tự chủ đại học còn gặp nhiều vướng mắc. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm trong một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng.

Tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn