MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cải cách tiền lương phải đi đôi tinh giản biên chế. Ảnh: Hải Nguyễn

Cải cách tiền lương gắn với sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

PHẠM ĐÔNG LDO | 26/07/2023 06:34

Lương cơ sở của công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, cần tập trung vào cải cách tiền lương cùng với sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy.

Từ ngày 1.7 vừa qua, mức lương cơ sở đã chính thức tăng từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công.

Hiện tại, Bộ Nội vụ đang xây dựng bảng lương mới để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW. Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu rõ giải pháp về "xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm", "tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước".

Đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và giải pháp gắn với "thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII" là rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương đồng bộ.

Trao đổi với Lao Động ngày 25.7, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, chúng ta không thể chỉ tập trung vào tăng lương mà phải tập trung vào cải cách tiền lương.

Theo bà Nga, cải cách tiền lương nghĩa là cải cách cách tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức và nếu muốn cải cách cách tính lương, chắc chắn phải đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy.

"Hiện nay, chúng ta cũng đang thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản bộ máy. Tuy nhiên việc gì cũng thế, đều cần phải có lộ trình để có được một bộ máy thực sự tinh gọn và hiệu quả. Qua đó, giảm bớt được số người hưởng lương từ ngân sách, nhưng mức lương cho người lao động sẽ được cải thiện hơn.

Còn nếu chúng ta cứ giữ một bộ máy quá cồng kềnh cùng những bộ phận hoạt động không hiệu quả sẽ làm mức lương bị dàn trải. Rồi sẽ có thực trạng mức lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với nhu cầu cuộc sống cũng như sức lao động của họ" - đại biểu Việt Nga nói.

Do vậy, một lần nữa bà Nga nhấn mạnh, về lâu dài, cần tập trung vào cải cách tiền lương cùng với sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy.

Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận, nếu biên chế cứ tăng mà trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp thì khó có thể tăng lương.

Do đó, muốn cải cách tiền lương sẽ phải đi đôi với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước. Tiếp đó là đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, một trong những mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tiếp tục được thực hiện trong 2 giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030. Quy định nêu rõ các trường hợp thuộc diện phải sắp xếp cũng như diện không bắt buộc sắp xếp.

Nghị quyết quy định rõ các trường hợp thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025. Chính phủ cho biết dự kiến sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã trong khoảng thời gian này (chưa tính số đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu).

Điều đó đồng nghĩa với việc số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người và không chuyên trách ở cấp xã khoảng 16.000 người.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu để sớm ban hành các nghị định có liên quan tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ dôi dư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn