MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cam kết bảo đảm quyền lợi người gửi tiền

L. HƯƠNG LDO | 23/11/2017 11:04
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2018. Theo đó, 5 phương án để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó, thông tin khiến người dân đặc biệt chú ý là việc phương án cho phép phá sản TCTD. Theo quy định hiện tại, nếu cho phép phá sản ngân hàng yếu kém thì mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng.

Đặt mục tiêu an toàn hệ thống lên hàng đầu

Ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ pháp chế NHNN - khẳng định “ Theo quy định của Luật, để xử lý TCTD yếu kém, các phương án phục hồi, bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới sẽ được ưu tiên áp dụng. Việc phá sản TCTD yếu kém sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các tác động và chỉ được áp dụng như là biện pháp cuối cùng khi TCTD yếu kém không có khả năng thực hiện được các phương án khác và phương án phá sản cũng chỉ được thực hiện khi bảo đảm được yêu cầu về xử lý TCTD yếu kém của Đảng và Nhà nước”.

Theo ông Sơn, phá sản TCTD đã được quy định trong Luật các TCTD 1997, Luật các TCTD 2010 và gần đây nhất được quy định cụ thể trong một chương riêng của Luật phá sản. Việc lựa chọn phương án xử lý đối với một TCTD yếu kém cụ thể, bao gồm cả phương án phá sản luôn được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm đảm các mục tiêu bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống TCTD, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”.

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Trong bất cứ trường hợp nào, các phương án xử lý các TCTD đều phải đặt mục tiêu đầu tiên an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và không để gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Trong những trường hợp cụ thể trong dự thảo luật, chúng tôi đã báo cáo là kiến nghị Quốc hội xem xét để có những giải pháp đặc biệt để xử lý trong những tình huống đặc biệt đều thực hiện theo mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người gửi tiền và đảm bảo được an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”.

Luật quy định rõ khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo NHNN về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với NHNN.

Ngân hàng nào bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt?

Tại điều 145 quy định rõ, TCTD được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây: Thứ nhất, TCTD bị mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN. Thứ hai, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất. Thứ ba, 2 năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của NHNN. Thứ tư, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1, Điều 130 của Luật này trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét.

Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng HTX Việt Nam thực hiện. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Không có đổ vỡ ngoài kiểm soát

Điều 152c của Luật các TCTD sửa đổi quy định rõ, NHNN chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Trường hợp cần thiết, NHNN trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.

TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện việc phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản TCTD. Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc DN quản lý, thanh lý tài sản, NHNN thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD.

Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng bị giải thể, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, NHNN ra quyết định chấm dứt thanh lý và thực hiện phương án phá sản TCTD theo quy định.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: “NHNN có những công cụ khác nhau để đánh giá được thực trạng cũng như kiểm soát được tình hình và đảm bảo không có những đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn