MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh VOV

Cán bộ cấp cao trong bộ máy tuyệt đối không tham vọng quyền lực

PV LDO | 15/08/2017 08:18
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Theo quy định, đây phải là những cán bộ tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của ngành, địa phương, cơ quan và cá nhân.

Tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, giữ nguyên kỷ luật phát ngôn, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, sống trung thực, khiêm tốn, chân thành trong sáng, giản dị, bao dung, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Về đạo đức, lối sống, cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ; chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm.

Quy định cũng nêu rõ, cán bộ nói trên tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.

Về năng lực và uy tín, cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; có khả năng phân tích và dự báo tốt. Nắm chắc tình hình chung và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực, địa bàn, địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công.

Ngoài quy định chung, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh là Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Quy định của Bộ Chính trị cũng quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh Bộ trưởng và tương đương, trưởng các đoàn thể chính trị, xã hội trung ương, Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Cùng với quy định nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn