MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại một UBND phường. Ảnh: M.Q

Cán bộ cấp phường hành dân: “Con sâu bỏ rầu nồi canh”?

CAO NGUYÊN - MINH QUÂN LDO | 09/08/2017 06:32
Thời gian qua, xảy ra liên tiếp vụ việc liên quan đến thái độ ứng xử của cán bộ ở một số phường của Hà Nội khiến người dân bức xúc. Nhất là sau vụ khó khăn khi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, người dân tiếp tục “tố” cán bộ phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cũng có thái độ cửa quyền khi tiếp dân. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng, ở nhiều nơi, phần lớn cán bộ lại rất tận tình với dân.

Con sâu làm rầu nồi canh

Gần đây, liên tiếp vụ việc liên quan đến thái độ ứng xử của cán bộ ở một số phường của Hà Nội gây xôn xao dư luận. Vụ khó khăn khi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu chưa kịp lắng xuống thì mới đây, người dân tiếp tục “tố” cán bộ phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cũng có thái độ hách dịch, cửa quyền khi tiếp dân.

Bên cạnh những câu chuyện của bản thân gặp khó khăn khi làm việc với xã, phường, được chia sẻ, nhiều người cho rằng đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, còn có rất nhiều cán bộ ở các địa phương cư xử lịch sự, tận tình giúp người dân.

Tại UBND phường 22 (Q.Bình Thạnh), đúng 8h sáng 7.8, các cán bộ, nhân viên đã ngồi vào vị trí làm việc với không khí khẩn trương. Tiếng loa nhắc số thứ tự liên tục vang lên, các nhân viên nhiệt tình trao đổi, hướng dẫn cho người dân đến làm thủ tục liên quan đến các lĩnh vực khác nhau. Những bộ phận như trích lục hộ tịch sao y & chứng thực, Trả hồ sơ sao y & chứng thực và Kinh doanh - Môi trường - Lao động - Y tế - Giáo dục đều có đủ người phụ trách. Đến khoảng 9h, người dân đến làm thủ tục rất đông, chật kín cả phòng, trong đó nhiều người phải đứng chờ. Tuy người đông nhưng mọi người đều giữ trật tự, chờ gọi tên lên làm thủ tục.

Ông Trần Văn Bình (ngụ phường 22) cho biết: “Hôm nay, tôi đi công chứng một số giấy tờ, biết là đầu tuần phải chờ lâu nên tôi đi từ đầu buổi sáng, không ngờ cán bộ ở đây làm việc rất nhanh chóng, có trách nhiệm. Tôi đã nhiều lần đến phường 22 làm thủ tục và nhận thấy các cán bộ làm việc khẩn trương và chu đáo với dân”. Một cán bộ phường 22 cho biết, hằng ngày, các bộ phận của phường đều chủ động bắt tay vào nhiệm vụ của mình theo đúng tinh thần không để xảy ra tình trạng ùn ứ, hay người dân phải chờ đợi cán bộ.

Cũng với tinh thần làm việc như trên tại UBND phường 3 (Q.Gò Vấp), ghi nhận không khí làm việc nghiêm túc của cơ quan này. Số lượng công dân đến làm việc ngày đầu tuần nhiều và cán bộ công chức đều có mặt đầy đủ ở các vị trí được giao để tiếp nhận hồ sơ của người dân. Mọi thắc mắc đều được cán bộ ở phường này tận tình giải thích cho người dân. Một cán bộ phường này cho biết, cơ quan thực hiện quy trình làm việc một cửa theo chất lượng ISO nên cán bộ nhân viên của phường phải tự giác chấp hành giờ giấc làm việc theo đúng quy định.

Sau vụ việc khó khăn khi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, ngày 4.8, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn thừa nhận, ngoài những kết quả đã đạt được trong CCHC, thì điểm yếu nhất trong việc thực hiện CCHC hiện nay là trình độ, thái độ, tác phong của một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại bộ phận “một cửa” của cấp phường, xã ở Hà Nội vẫn còn hạn chế, thậm chí còn yếu kém và hách dịch.

“Đây là những cán bộ, chuyên viên trực tiếp thụ lý hồ sơ, giao tiếp với dân nên vô hình trung đã tạo ra hình ảnh không tốt trong mắt người dân. Tới đây, thành phố sẽ tập trung chấn chỉnh tác phong, thái độ của đội ngũ này và xử lý nghiêm vi phạm” - ông Chung nhấn mạnh.

Áp lực vì công việc

Chia sẻ về công việc của mình, chị Nguyễn Thị Thu Trang - công chức văn hoá xã hội phường Liễu Giai (quận Ba Đình) - nói, chị về phường công tác từ năm 2011. Khi về được phân vào công tác tại phòng văn hóa thông tin phường, do đặc thù công việc ở đây rất ít khi phải tiếp xúc với người dân nên mức độ áp lực đối với chị Trang không nhiều. Tuy nhiên, theo chị Trang để phục vụ được người dân tốt nhất thì không chỉ cần trình độ chuyên môn mà cần phải có cả thái độ. Bản thân cán bộ khi tiếp dân thì chuyên môn là rất cần thiết, bên cạnh đó họ luôn phải vui vẻ, cầu thị để đến với dân. Có những lúc bị mắng, bị chửi nhưng cũng cần phải biết chịu đựng.

Hiện nay, để tránh việc tham nhũng, hách dịch tại một số địa phương như xã, phường, theo chị Trang, Nhà nước cũng cần phải giải quyết chế độ tiền lương cho công chức, viên chức. Chị Trang lấy ví dụ, sở dĩ mà công chức ở các nước ít khi có tham ô, tham nhũng vì tiền lương của họ được trả đảm bảo với công việc và mức sống của họ.

“Nếu sống ở Hà Nội mà dựa vào lương tháng công chức nhà nước thì vất vả lắm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tỏ ra thái độ để gây ảnh hưởng đến công việc hằng ngày” - chị Trang nói.

14h ngày 7.8, chúng tôi có mặt tại UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), tại đây, ở bộ phận một cửa cán bộ đang tất bật lo thủ tục cho người dân. Theo quan sát, có khá nhiều người dân đang ngồi ghế chờ đến lượt mình. Trong số người ngồi ghế, có một người đàn ông tuổi khá cao đang chờ đến lượt. Lúc này một nữ cán bộ phường đã không ngần ngại xin ý kiến những người đến trước để ưu tiên cho người đàn ông cao tuổi kia. Sự nhiệt tình và cách ứng xử khéo léo, chỉ trong giây lát, hồ sơ của người này đã nhanh chóng hoàn thành.

Ở một khía cạnh khác, dưới góc độ lãnh đạo quản lý của phường, chia sẻ với Lao Động, ông Tống Xuân Duy - Phó Chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) - cho rằng, chúng ta đang đi làm dâu trăm họ, vì vậy luôn phải khiêm nhường, kiên trì và cam chịu.

Ông Duy cũng thừa nhận, trước đây, do công việc quá nặng nề nên có tình trạng cán bộ phường hách dịch với người dân. Tuy nhiên, những năm trở lại đây thì việc này dường như không còn. Đặc biệt trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, lãnh đạo, cán bộ phường luôn đề cao tinh thần tự giác, có trách nhiệm với người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn