MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cán bộ "chạy chức, chạy quyền" sẽ tìm mọi cách “tận thu, hoàn vốn” đầu vào

Vương Trần LDO | 24/08/2022 13:13

Theo TS Nguyễn Minh Phong, điều nguy hại nhất là chạy chức chạy quyền để lại di hại toàn diện và lâu dài cho đất nước và sự nghiệp cách mạng. Lớp cán bộ sản sinh ra từ “chạy chức, chạy quyền” thì họ coi đó là vụ bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên chức vụ, quyền hành nhận được.

“Chạy chức, chạy quyền” là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ

Tại hội thảo phòng, chống tham nhũng và vai trò của Kiểm toán nhà nước diễn ra ngày 24.8, TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Ban Tuyên truyền lý luận (Báo Nhân Dân) đã dành nhiều thời gian để phân tích về tham nhũng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Đề cập đến chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, TS. Nguyễn Minh Phong, đây là hai nhiệm vụ song song.

Theo ông Phong, ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (lần 2) khoá VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 loại “chạy”:“Chạy chức” trước khi bầu cử; “chạy quyền” trước khi phân công công tác; “chạy lợi” trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; “chạy chỗ” trước khi bổ nhiệm; “chạy tội” trước khi điều tra, xét xử. Cán bộ không chỉ “chạy” cho bản thân mình, mà còn “chạy” cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cấp dưới...

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII cũng nêu rõ: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi...”

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, “chạy chức, chạy quyền” là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ, là “điển hình phản cảm” của việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, đe dọa trật tự kỷ cương, luật pháp, để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội nặng nề; làm băng hoại cả nền tảng đạo đức xã hội.

Ông cho rằng tình trạng tham nhũng, thiếu kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, dẫn đến tha hoá quyền lực, gây hệ luỵ cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các khía cạnh.

“Chạy chức, chạy quyền” là hành vi dùng mọi thủ đoạn, mánh lới, đánh đổi lợi ích vật chất và phi vật chất để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn; thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực trong mỗi cá nhân” - ông Phong phân tích.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, “chạy chức, chạy quyền” khiến gia tăng tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” cho những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Từ đó làm mất động lực và cơ hội phấn đấu, tiến bộ của những cán bộ chân chính, có đức và có tài.

“Điều nguy hại nhất là chạy chức chạy quyền để lại di hại toàn diện và lâu dài cho đất nước và sự nghiệp cách mạng. Lớp cán bộ sản sinh ra từ “chạy chức, chạy quyền” thì họ coi đó là vụ bỏ vốn đầu tư kinh doanh trên chức vụ, quyền hành nhận được.

Bởi vậy, khi có chức, quyền, họ sẽ tìm mọi cách “tận thu” từ mọi nguồn thu có thể để "hoàn vốn" đầu vào và thu lợi nhuận, trước khi cống hiến… Hơn nữa, với cơ chế chạy chức chạy quyền đó, họ tiếp tục tuyển dụng và bổ nhiệm thêm những cán bộ cùng loại, kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã””, ông Phong cho hay.

Phải kiểm soát quyền lực

Nói về giải pháp ngăn chặn tình trạng này, theo ông Phong, cần thực hiện tốt việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp, hoặc khi thấy cần thiết. 

Bên cạnh đó, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy…

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo.

Đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Công khai, minh bạch các nội dung về công tác cán bộ cho các đối tượng có liên quan theo quy định.

Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, tham nhũng bắt nguồn từ chữ tham. Có thể khẳng định, tham nhũng gắn với bản chất của con người, gắn với quyền lực và ở đâu, thể chế nào cũng có tham nhũng. 

“Bản chất xoay quanh câu chuyện tham nhũng là câu chuyện quyền lực, nên cần phải kiểm soát quyền lực", TS. Vũ Đình Ánh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn