MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Đông

Cần có chế tài xử lý doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH bằng xử lý hình sự

Tiến Nguyễn LDO | 19/03/2024 10:37

Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH, các đại biểu Quốc hội đề xuất có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm việc đóng bảo hiểm cho lao động không chỉ thông qua xử phạt hành chính mà phải bằng xử lý hình sự.

Làm rõ, tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng BHXH

Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Vào kỳ họp Quốc hội thứ 7 (tháng 5.2024), Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua.

Một trong những nội dung được quan tâm, góp ý là vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Dự thảo chỉnh lý đã tăng cường trách nhiệm của không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, UBND các cấp mà cả đối với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Việc Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chưa có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý.

Về vấn đề này, Bộ luật Hình sự đã quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động (Điều 216). Hội đồng Thẩm phán đã có Nghị quyết số 05/2019/HĐTP ngày 15.8.2019 hướng dẫn áp dụng 3 điều này.

Trên thực tế, do còn hiểu khác nhau, khó khăn trong xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố khác cấu thành tội phạm giữa các văn bản, nên mặc dù tình hình chậm đóng, trốn đóng vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.

Dự thảo luật dự kiến chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng; xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và các cơ quan rà soát, nghiên cứu để sửa đổi Nghị quyết 05/2019/HĐTP ngày 15.8.2019 để bảo đảm thống nhất, rõ ràng, phù hợp và áp dụng được thuận lợi trên thực tiễn.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, góp phần giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc thực tế nhiều năm qua, dự thảo luật dự kiến chỉnh lý bổ sung quy định cơ chế có tính chất đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Điều 36b).

Có thể xử lý hình sự

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TPHCM) đề nghị nên bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu cho rằng, cần thiết kế để đi tắt mà không phải theo trình tự phạt hành chính, sau đó đợi 60 ngày, 80 ngày thì chủ doanh nghiệp có khả năng trốn hoặc doanh nghiệp đã phá sản hoặc đã ngừng kinh doanh lập tức tìm cách trốn không đóng BHXH cho người lao động.

Do đó, đề nghị cần có một thủ tục rút gọn để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vì một doanh nghiệp thời điểm cao nhất có thể lên tới 85.000, 90.000 công nhân. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ thêm vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu rõ, đề xuất xem xét kỹ, cụ thể các yêu cầu và điều kiện để khởi tố hình sự đối với các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phạm Đông

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn