MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Ảnh: NV

Cần có nghị quyết về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

XUÂN HÙNG - CAO NGUYÊN LDO | 29/10/2018 07:00
Nhìn nhận thực tế đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều ĐBQH cho rằng rất cần một nghị quyết căn cơ về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, và không nên tiếp tục hỗ trợ theo kiểu... cho không.

Đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn

Đa số các đại biểu QH, đặc biệt đại biểu người dân tộc thiểu số hoặc là cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đều bày tỏ sự cảm ơn, khẳng định những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã có bước phát triển nhiều mặt về kinh tế, văn hoá, trình độ lao động sản xuất, giáo dục…

Tuy nhiên, khó khăn của đồng bào là hiện hữu và còn không ít vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết. Vẫn còn đó vô vàn khó khăn, so với mặt bằng chung cả nước. ĐB Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cung cấp thông tin, đến cuối năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo của cả nước là 6,7%, ước tính đến cuối năm 2018 thì con số này sẽ giảm xuống còn dưới 6%. Trong đó còn gần 865.000 hộ nghèo, người dân tộc thiểu số chiếm tới 52,66% tổng số hộ nghèo cả nước. Riêng khu vực Tây Nguyên tỉ lệ hộ nghèo khoảng 12,86%, như vậy có đến 175.772 hộ, trong đó tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 73% trên tổng số hộ nghèo. Đáng lưu ý là tỉ lệ tái nghèo vẫn còn cao, tỉ lệ hộ nghèo phát sinh gần bằng 23%.

Một cách cụ thể hơn, ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) nói: “Dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số của cả nước nhưng tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 52,7%. Hiện có khoảng 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo chữ phổ thông, kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường trạm đều thấp kém”.

Cho “cần câu” thay cho “con cá”

Đánh giá về nguyên nhân, nhiều ĐB cho rằng, dù đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi với niềm tin, hy vọng và tình cảm lớn lao nhưng khi thực hiện đã không thể như kỳ vọng vì nguồn lực còn hạn chế. ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nói: “Rất nhiều chính sách được ban hành, nhưng nhiều chính sách manh mún, dàn trải, chồng chéo, có chính sách được ban hành song không có nguồn lực thực hiện”.

Nhiều đại biểu cho rằng, lâu nay việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi rất nhiều dự án kiểu cho không như cấp không sách báo, giống, gạo… Những điều đó rất cần, đã góp phần hỗ trợ kịp thời giúp đồng bào bớt khó khăn, đặc biệt trong lúc thiên tai, mất mùa. Tuy nhiên, trong tình hình mới, cần có những chính sách thiết thực, căn cơ hơn.

ĐB Hoàng Văn Hùng nói: “Chính sách hỗ trợ trực tiếp đã làm một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ chính sách, không tích cực lao động sản xuất, thiếu ý chí vươn lên mặc dù có sức lao động, có đất sản xuất, có đủ các điều kiện để canh tác, làm ra sản phẩm nhưng không làm vì đã có Nhà nước cho không.

Còn ĐB Triệu Tài Vinh (Hà Giang) nói: “Về hỗ trợ hộ nghèo hiện nay, chúng ta thường nói cho cần câu hay cho con cá. Thực tế chúng ta đã cho nhiều cần câu rồi, vấn đề hiện nay là có cần câu thì câu ở đâu? Như vậy, chúng ta phải tạo ra những môi trường tốt hơn, đó là những ao để nông dân có thể câu được”.

Theo ĐB Triệu Tài Vinh, lâu nay chúng ta hỗ trợ cho không người dân quá lâu, nó đã trở thành chế độ, tính ỷ lại như một tập quán và đã đến lúc tập quán này phải thay đổi.

Từ các phân tích trên, các đại biểu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ xem xét và có những giải pháp tổ chức thực hiện chính sách phù hợp, làm sao để khuyến khích được người nghèo cũng vươn lên, người khá giả, người giàu được khích lệ. Trước hết, cần có lộ trình bỏ dần những chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không người dân, chuyển dần sang thực hiện các chính sách hỗ trợ có điều kiện. Ví dụ, cho vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, vay không lãi, hỗ trợ khởi nghiệp v.v...

Đa số đại biểu phát biểu về phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đều thống nhất đề xuất của Hội đồng Dân tộc, là đề nghị Quốc hội có nghị quyết về chương trình mục tiêu mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn