MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKTTƯ. Ảnh: Hải nguyễn

Cần công khai danh tính cán bộ vi phạm về kê khai tài sản

Cao Nguyên LDO | 08/09/2018 10:30
Kê khai tài sản, thu nhập được xem là một trong những “công cụ” hữu hiệu trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, lâu nay, việc thực hiện quy định này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn khi mà có không ít cá nhân vẫn cố tình mập mờ, thực hiện theo kiểu hình thức, làm cho có.

Theo các chuyên gia, cần khắc phục triệt để những lỗ hổng này thì công tác phòng chống tham nhũng mới tiến xa được. 

6 trường hợp vi phạm

Mới đây, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018. Trình bày tại phiên họp, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết, năm 2018, đã có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, đạt tỉ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban - trình bày, số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng năm 2018 chỉ xác minh 44 người trong tổng số hơn 1,1 triệu người đã kê khai. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Đáng nói, kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường hợp so với năm 2017.

Đến nay, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP.Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công Thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP.Hà Nội. 

Tuy nhiên, dư luận cho rằng cần công khai danh tính của 6 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản để răn đe các trường hợp khác.

Cần bêu tên để phòng ngừa

Trao đổi với Báo Lao Động về việc có nên công khai tên tuổi, danh tính của các trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho rằng, việc kê khai tài sản lâu nay được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, ông Cuông cho rằng công tác này còn đang diễn ra theo kiểu hình thức, số lượng người kê khai lớn nhưng không thể xác minh được độ chính xác, chủ yếu là kê khai xong thì đem cất vào hồ sơ chứ không công khai hoặc kiểm tra, thẩm định. Chính vì thế hiệu quả của việc phòng chống tham nhũng dựa trên biện pháp này không cao.

Nhiều ban ngành cũng đã bàn luận về biện pháp khắc phục tình trạng trên nhưng sau đó đều bỏ lửng các ý kiến, chưa kiên quyết đưa ra một biện pháp nào mang tính chất căn cơ, có hiệu lực. Nếu như thời gian tới, Dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua thì cần chú trọng đặc biệt đến chế tài xử lý đối với các trường hợp kê khai không đúng sự thực.

“Các đối tượng sai phạm về kê khai tài sản cũng là vi phạm pháp luật nên cần thiết phải “bêu tên” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng, cần phải lập tức công khai danh tính, nơi công tác, mức độ vi phạm, phương án xử lý... đối với những trường hợp sai phạm. Điều này rất có tác dụng trong dư luận và cũng là biện pháp phòng ngừa tốt với những ai cố tình “lập lờ đánh lận con đen” - ông Cuông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cho rằng, việc quan trọng là ở khâu thẩm tra, xác minh từ lúc kê khai tài sản. Ông Hùng nói, lúc đó, cần phải làm kỹ, giám sát chặt chẽ thì người được kê khai tài sản sẽ không thể làm dối.

“Cần phải giám sát việc kê khai đó có đúng không đã. Nếu quá trình kiểm tra việc kê khai mà đúng thì tốt. Tuy nhiên, nếu vẫn còn dư luận cho rằng việc kê khai đó chưa đúng thì phải xem xét lại người kê khai, cấp trên giám sát người kê khai. Cần phải phê bình thậm chí xử lý cơ quan quản lý người được kê khai đó một cách nghiêm túc bởi đã bao che” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, hiện nay công khai hay chưa công khai chưa quan trọng, cái cần nhất là phải công khai việc kiểm tra, thi hành việc kê khai tài sản của người đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn