MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường (ảnh phải) và ĐBQH - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương (ảnh trái) phát biểu tại Quốc hội ngày 8.11. Ảnh: Q.H

Cần luật hóa quy định xử lý cán bộ bị tố cáo

THÀNH - HẢI LDO | 09/11/2017 09:38
Bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo khi chưa có kết luận là một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm khi đóng góp ý kiến cho dự án Luật Tố cáo. Song song với đó, còn có một số quan điểm trái chiều về vấn đề có hay không tiếp nhận xử lý đơn thư tố cáo người đã nghỉ hưu.

Cách nào bảo vệ người tố cáo?

ĐBQH - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho rằng, sau khi nội dung tố cáo của người tố cáo đã được xem xét, xử lý thì vẫn cần quy định khi mà xem xét liên quan đến công tác cán bộ, khen thưởng kỷ luật đối với người tố cáo cần phải có thông báo với cơ quan bảo vệ trước khi ra quyết định thì nó mới chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người tố cáo.

Ngoài ra, thực tế thời gian qua có nhiều vụ việc người tiếp nhận tố cáo làm lộ danh tính, thân phận của người tố cáo, nhưng chưa có chế tài nào đủ nghiêm khắc trong khi người tố cáo phải chịu rất nhiều áp lực, thậm chí là nguy hiểm, vì vậy “cần phải có chế tài đối với người tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Nếu chỉ quy định chung chung là không tiết lộ, nhưng tiết lộ rồi thì vẫn chỉ là phê bình, rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc thì không được mà phải quy định chế tài cụ thể”.

Ngoài ra, đại biểu Bùi Văn Cường cho rằng, cũng cần phải quy định hình thức bảo vệ người bị tố cáo trong giai đoạn tiếp nhận, xem xét và xác minh đơn thư trước khi có kết luận của cơ quan chức năng. Trong trường hợp tố cáo không đúng sự thật thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cân nhắc việc có đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng hay không. Bởi vụ việc tố cáo trong phạm vi nhỏ, nhưng khi đăng tải cải chính, xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng không làm khéo lại thành bôi nhọ” - đại biểu Bùi Văn Cường nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo đại biểu Bùi Văn Cường, các đơn thư cho dù tố cáo nặc danh nhưng nếu đủ căn cứ, chứng cứ thì cũng phải được tiếp nhận, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; hoặc như thời hiệu tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo cũng cần phải được quy định hết sức chi tiết, cụ thể. Trong khi đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) góp ý vào dự thảo Luật Tố cáo “cần giao cho cơ quan công an bảo vệ người tố cáo và tùy vụ việc mà phân cấp. Có những vụ nghiêm trọng thì cần thiết phải là công an tỉnh. Giao cho công an bảo vệ người tố cáo thì tự nhiên tính răn đe đối với người bị xử lý về hành vi bị tố cáo cũng đã cao hơn”.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - lại cho rằng về công tác bảo vệ người tố cáo, những biện pháp, trình tự, thủ tục nên dành cho cơ quan có trách nhiệm chứ không quy định được cụ thể trong dự án luật này. “Một vấn đề nữa là hình thức tố cáo bằng đơn, trực tiếp, tuy nhiên dự thảo mở ra xem xét đối với trường hợp tố cáo qua thư điện tử, fax, có ngày tháng năm sinh, địa chỉ và nội dung tố cáo rõ ràng. Theo tôi cần nghiên cứu, vì tới đây chúng ta thực hiện mô hình Chính phủ điện tử. Cái này có địa chỉ người tố cáo rõ ràng. Tôi băn khoăn những người tố cáo qua thư điện tử gần như công khai, vậy bảo vệ người tố cáo thế nào? Cái này chúng ta cần cân nhắc” - đại biểu Lê Quý Vương nói.

Không đưa vào luật, làm sao xử lý được cán bộ đã nghỉ hưu?

Đại biểu Lê Quý Vương nêu vấn đề “Vừa qua, một số cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý, vậy xử lý theo luật nào? Vừa rồi phải đưa ra cách nguyên chức vụ, giải quyết thế nào? Nếu là tội phạm, giải quyết theo tố giác thì hoàn toàn không ảnh hưởng. Nếu đặt vấn đề tố giác cán bộ đã nghỉ có hành vi vi phạm thì xử lý theo trình tự tố tụng. Nhưng tố cáo hành vi vi phạm trách nhiệm hành chính thì xử lý theo hướng nào?

Muốn giải tỏa được bế tắc này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng cần “đưa vào luật quy định xử lý cán bộ bị tố cáo đã nghỉ hưu, bởi nếu không sẽ tạo ra sự bất hợp lý và chính chúng ta đã cắt bỏ một hành lang pháp lý như cái cửa đầu tiên được chúng ta xử lý. Đây cũng là mong đợi của nhân dân và hoàn toàn phù hợp với pháp luật, thực tiễn và thông lệ quốc tế”.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu khẳng định “cần có một điểm dừng”. Nhưng điểm dừng không phải là tuyệt đối, nếu qua kiểm tra, giám sát mà phát hiện có những sai sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của công dân thì có thể giải quyết lại lần 2. “Như vậy là đảm bảo tính tương thích, tính công bằng, tính thống nhất giữa giải quyết các vấn đề hành chính, tố cáo của công dân với các luật khác”.

Đặc biệt, đóng góp của đại biểu có vấn đề khá mới mẻ khi ông đề xuất cần phải đưa vào luật việc quy định cho phép các tổ chức có quyền được tố cáo. Bởi “các tổ chức cũng bị xâm phạm quyền lợi và đã làm đơn thư tới các cơ quan xử lý nhưng bị trả lại nhiều”. Lý do là vì cơ quan tiếp nhận cho rằng họ còn có hình thức khác là kiến nghị phản ánh, nhưng rõ ràng kiến nghị phản ánh không có đầy đủ 7 quyền của người tố cáo như theo luật thì cơ quan chức năng có thể giải quyết hoặc không. Hoặc lý do khác được đưa ra là không có căn cứ để xác định trách nhiệm tổ chức.

Về vấn đề thời hiệu, đại biểu Lê Quý Vương nêu quan điểm “không quy định thời hiệu tố cáo, vì quy định 3-5 năm đều không chuẩn, khi đối chiếu với pháp luật hình sự thì không quy định thời hiệu đối với tin báo tố giác. Còn được quyền tố cáo, còn quyền để xác định hành vi và nội dung đó có xem xét hay không thuộc trách nhiệm các cơ quan giải quyết về tố cáo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn