MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Cân nhắc việc bổ sung thu phí vào nội đô

PHẠM ĐÔNG - CAO NGUYÊN LDO | 21/05/2024 11:44

Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị cân nhắc bổ sung thu phí vào nội đô áp dụng với ôtô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị, trong những khung thời gian nhất định.

Hạn chế sử dụng quá mức phương tiện giao thông cá nhân

Sáng 21.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phương Thủy (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu, tại Khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định về tỉ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị: Tỉ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị, nhưng không bao gồm phần công trình đường bộ đi ngầm dưới mặt đất, xây dựng trên sông, hồ, phải bảo đảm quy định sau đây: Đô thị loại đặc biệt: 18% đến 26%; Đô thị loại I: 16 % đến 24%; Đô thị loại II: 15% đến 22%; Đô thị loại III: 13% đến 19%; Đô thị loại IV: 12% đến 17%; Đô thị loại V: 11% đến 16%...

Nữ đại biểu cho rằng, quy định như vậy là quá chi tiết và có nội dung chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai.

Do đó, đề nghị trong dự thảo luật không nên quy định quá chi tiết tỉ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Về các loại phí liên quan đến sử dụng đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc việc bổ sung thu phí vào nội đô áp dụng với ôtô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị, trong những khung thời gian nhất định.

“Một mặt để hạn chế sử dụng quá mức phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng”, đại biểu nói.

Đề xuất luật hóa cấm lập chốt thu phí trái phép

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu bổ sung cấm hành vi lập chốt thu phí trái pháp luật vì trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Đại biểu cho biết, tại Điểm a Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng, tự ý lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cho phép.

Do đó, việc bổ sung hành vi này trong dự thảo luật là phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu ý kiến, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến về việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc do chưa có quy định xử lý liên quan đến thực trạng tại các trạm thu phí đã ngừng hoạt động mà không chịu tháo dỡ để trả lại mặt đường, gây bất tiện trong lưu thông, làm cản trở giao thông cho những người qua lại tại khu vực này.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, mặc dù cử tri đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần nhưng thực trạng vẫn vậy. Đáng chú ý là đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở những khu vực này do chưa có quy định chế tài về trách nhiệm. Mọi thiệt hại nếu xảy ra đều thuộc về người dân và người tham gia giao thông.

Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ lần này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với các trạm thu phí đã dừng hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn