MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: Tất Thảo

Cần quy định rõ thời gian 50% được rút bảo hiểm xã hội 1 lần là khi nào

Nhóm phóng viên LDO | 27/05/2024 13:54

Theo đại biểu quốc hội (ĐBQH), cần quy định rõ thời gian 50% được rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là khi nào, giai đoạn mới đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay sau này để tránh gây sự xáo trộn, không thống nhất.

Quy định rút bảo hiểm xã hội 1 lần thoải mái có thể dẫn đến trục lợi chính sách

Ngày 27.5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho biết, nhiều quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều không cho hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp định cư ở nước ngoài hay bị bệnh hiểm nghèo.

“Tuy nhiên Việt Nam chưa làm được điều này vì thu nhập của Việt Nam còn đang rất thấp. Hiện nay, rất nhiều người lao động có những lúc lâm vào tình trạng không có bất cứ nguồn tiền nào để sinh sống. Người lao động coi tiền BHXH là tiền để dành của họ, cực chẳng đã đến bước đường cùng họ phải sử dụng”, nữ ĐBQH chia sẻ.

Theo bà Nga, nếu quy định “cứng” về rút BHXH 1 lần sẽ gây khó cho người lao động, khiến họ phản ứng, vì vậy, phải quy định cho hài hòa. Tuy nhiên, nếu cứ quy định rút BHXH thoải mái như hiện nay sẽ dẫn đến sự trục lợi chính sách.

Bà Nga lý giải: Người lao động đóng BHXH 8%; người sử dụng lao động đóng 17,5%. Nhưng khi được rút, người lao động được rút cả 25,5%. Như vậy người lao động vẫn có lợi hơn, được rút số tiền hơn 3 lần mức đóng vào.

“Như vậy có thể sẽ có trục lợi chính sách, không phát triển được hệ thống an sinh. Tức là có những người chưa cấp bách đến độ rút BHXH 1 lần, nhưng thấy có lợi, đặc biệt hiện nay khi đang đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được lương hưu xuống 15 năm. Ví dụ, người lao động tham gia BHXH sớm thì có thể rút BHXH 1 lần; sau đó tham gia tiếp, rồi lại rút BHXH 1 lần, cuối cùng đủ 15 năm đóng BHXH 15 năm là được”, bà Nga phân tích.

Theo nữ ĐBQH đoàn Hải Dương, 2 phương án đưa ra trong dự thảo luật, phương án nào cũng có bất cập. Vì vậy, bà Nga nghiêng về kết hợp 2 phương án: Những người lao động đóng BHXH, khi không có nhu cầu tham gia nữa, muốn rút BHXH 1 lần thì trước khi luật BHXH có hiệu lực thì vẫn được rút; còn khi luật có hiệu lực thì khống chế người lao động được rút không quá 50% số thời gian đã đóng. Theo bà, phương án kết hợp này có sự ưu việt hơn.

Tuy nhiên, phương án kết hợp này cũng phải lưu ý 1 điều: Dự thảo luật mới chỉ đưa ra quy định được rút không quá 50% số thời gian đóng BHXH, nhưng số % thời gian đóng đó khác nhau cơ bản về tiền.

ĐBQH đề nghị cần quy định rõ thời gian 50% được rút BHXH là thời gian nào để đảm bảo sự chặt chẽ, tránh gây sự xáo trộn, không thống nhất.

Đề xuất tích hợp 2 phương án

Thảo luận tại hội trường về vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần, ĐBQH Phan Thái Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, 2 phương án trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), phương án nào cũng có ưu điểm, hạn chế.

Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất của 2 phương án này là thời điểm tham gia BHXH của người lao động trước và sau thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (1.7.2025).

“Tuy nhiên nhu cầu rút BHXH 1 lần là vấn đề thực tế, cấp thiết, hợp pháp, hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng BHXH trước hay sau luật có hiệu lực”, ĐBQH Phan Thái Bình nêu quan điểm.

Để phát huy tối đa ưu điểm, hạn chế tối đa điểm nhược điểm của 2 phương án, ĐBQH đề xuất phương án thứ 3, tích hợp phương án 2 và phương án 1.

Phương án 1 chia ra 2 nhóm, nhóm 1 là những người đang và đã đóng BHXH trước khi luật có hiệu lực thì được rút BHXH 1 lần; nhóm 2 bắt đầu đóng từ Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì được rút BHXH 1 phần (có thể 50% hoặc được rút phần mà mình đã đóng).

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22.6.2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, tức là: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn