MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ĐBQH Đinh Thị Phương Lan, cần có quy định ràng buộc về mặt pháp lý đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Cần ràng buộc pháp lý với cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài

Lê Phương LDO | 12/06/2018 16:50
Thảo luận tại hội trường chiều 12.6 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các đại biểu cho rằng giáo dục đại học là vấn đề lớn và khó cần phải bàn thảo kỹ; ngoài ra, đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài phải ràng buộc về pháp lý.

ĐB Nguyễn Thị Lan cho rằng, giáo dục đại học là vấn đề lớn và khó. Trong 6 năm qua, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên gần đây, điều kiện kinh tế xã hội và bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nên Luật Giáo dục đại học bộc lộ một số bất cập, hạn chế.

ĐB Nguyễn Thị Lan nhận định, dự thảo lần này có bước tiến quan trọng trong cách tiếp cận, tư tưởng chỉ đạo, phản ánh tư duy mới về giáo dục đại học, thể chế hóa rõ hơn quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Dự thảo cũng quy định rõ hơn về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế giải trình của cơ sở giáo dục đại học, quy định rõ hơn về quản trị đại học, trách nhiệm của hội đồng trường…

Theo ĐB Lan, dự thảo đã có nhiều điểm mới nhưng bản chất vẫn là Luật Giáo dục 2012, do đó, không nên coi đây là luật mới mà chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2012.

Để dự thảo Luật đạt đồng thuận cao, ngoài đổi mới quản trị đại học, chương trình đào tạo, phân tầng xếp hạng đại học còn cần phải quan tâm quy hoạch mạng lưới trường đại học, tránh mở quá nhiều trường. Song song đó, cần rà soát lại các điều kiện mở ngành, có quy định riêng với một số ngành nghề đặc biệt; vấn đề tài chính và đầu tư cho đại học, nhà nước vẫn cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo một số ngành đặc thù, ngành khó xã hội hóa cấp kinh phí thông qua hình thức đặt hàng; tự chủ không có nghĩa là để trường đại học tự lo…

Chung quan điểm, ĐB Đinh Thị Phương Lan đề xuất: Đối với quy định về cơ sở giáo dục đại học, cần làm rõ thêm quy định phát triển cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng. Đồng thời, cần có quy định ràng buộc về mặt pháp lý đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Liên quan đến quy định chương trình, giáo trình đại học, dự thảo cần quy định thêm tiêu chuẩn, tiêu chí để đáp ứng với yêu cầu phát triển, phù hợp với thực tiễn.

Việc mở ngành đạo tạo cũng phải phù hợp với phát triền nguồn nhân lực, tránh lạm dụng mở ngành nhưng cũng không được gây khó khăn cho các trường khi mở mã ngành.

Về kiểm định chất lượng giáo dục, nên chăng nghiên cứu thêm về quy định trách nhiệm để đảm bảo hiệu quả cao nhất. ĐB Đinh Thị Phương Lan cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thêm quy định về tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn