MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Ảnh Quochoi.vn

Cần tăng cường bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài

Vương Trần LDO | 28/09/2020 19:06
Các địa phương cần công khai minh bạch số lượng người đi cũng như tăng cường bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Ngày 28.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và chỉ đạo Phiên họp.

Phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội tập trung vào các nội dung: Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đa số các ý kiến tại Phiên họp nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi một số điều của dự án thảo Luật này.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đồng ý với phương án 1 của dự thảo Luật là Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập và được thực hiện việc đưa người lao dộng đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Đồng thời, quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy, biên chế. Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, các địa phương cần công khai minh bạch số lượng người đi cũng như tăng cường bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Còn đại biểu Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại quan tâm về tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng địa phương vẫn phải đảm bảo đầy đủ và chất lượng công việc.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các bộ, ngành, cơ quan và cho rằng, đây là những ý kiến rất tâm huyết để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự án Luật hoàn chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục lắng nghe, chỉnh sửa các dự án Luật để cơ quan thẩm tra, xem xét trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp, thảo luận ở những phiên họp tới trước khi trình lên Quốc hội thông qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn