MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết của Ban Kinh tế T.Ư sáng 17.1.2020. Ảnh: TTXVN

Cần tìm ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

đức thành LDO | 18/01/2020 07:10

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020” của Ban Kinh tế Trung ương diễn ra sáng 17.1. 

Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM...

4 kết quả nổi bật của Ban Kinh tế T.Ư

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển với nhiều thay đổi theo yêu cầu của thực tiễn,  Ban Kinh tế T.Ư luôn phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất nhiều chủ trương chính sách giúp Trung ương Đảng ta lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt Ban Kinh tế T.Ư đã luôn bám sát thực tiễn, tư duy nhạy bén, sáng tạo để tham mưu, đề xuất với Trung ương đường lối đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế đóng góp nhiều công sức, trí tuệ đưa đất nước phát triển.

Nhất trí với báo cáo của Ban Kinh tế T.Ư, Thủ tướng cũng đồng thời nhấn mạnh 04 thành tích nổi bật cụ thể:

Thứ nhất, Ban đã thực hiện tốt được vai trò của cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược, đề xuất trình Bộ Chính trị ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về KTXH; Thứ hai, công tác phối hợp, hợp tác thời gian qua có sự thống nhất cao giữa Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư, từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương đến thực tiễn, từ Nghị quyết của Đảng đến Nghị quyết của Chính phủ, không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhưng vẫn phân định rạch ròi chức năng nhiệm vụ giữa Ban Đảng và Chính phủ trong điều hành nhà nước.

Thứ ba, Ban đã thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến với số lượng tới 117 ý kiến thẩm định, đóng góp ý kiến đối với nhiều báo cáo, dự án và đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ Chính trị, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư có cơ sở xem xét trước khi ban hành những Nghị quyết liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ tư, Ban Kinh tế T.Ư đã chủ động, tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng; kịp thời nắm bắt phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng Ban Kinh tế T.Ư đã chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong cả hai Tiểu ban Văn kiện và Kinh tế - xã hội. Trong năm 2019, Ban Kinh tế T.Ư đã tích cực triển khai Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Ban, phối hợp tổ chức các sự kiện lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế; nhiều sự kiện đã trở thành nơi quy tụ, gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, đối thoại của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nhân trong và ngoài nước về hoàn thiện các cơ chế, chính sách, định hướng chiến lược phát triển; tham gia nhiều hoạt động đối ngoại và hợp tác nghiên cứu kinh tế quốc tế.

Thủ tướng đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động Ban Kinh tế T.Ư.

Sau 7 năm tái lập, đặc biệt năm 2019, hoạt động của Ban Kinh tế T.Ư đã ngày càng toàn diện; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. “Cá nhân tôi đánh giá cao sự chủ động phối hợp, trách nhiệm của đồng chí Trưởng Ban Nguyễn Văn Bình. Việc thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin kịp thời, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, nhất là những khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH nhanh, bền vững trong thời gian qua” – Thủ tướng nhận định.

10 nhiệm vụ trọng tâm

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Ban Kinh tế T.Ư là cực kỳ quan trọng; là cơ quan tham mưu chiến lược về KTXH của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Từ đó Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế T.Ư phải tiếp tục nhân rộng, phát huy, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất, tham mưu; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Kinh tế T.Ư phải thực hiện tốt 10 nội dung cụ thể, đó là: Phát triển dất nước thông qua việc thực hiện các đề xuất, kiến nghị của Ban thành Nghị quyết của Trung ương, của Bộ chính trị, chỉ thị của Ban bí thư, những đề xuất xây dựng các hương trình chiến lược, các đề án cũng như góp ý vào những văn bản quy phạm pháp luật hướng đến mục tiêu chất lượng cao hơn, mang tầm chiến lược khác với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu thực tiễn trong thời đại cộng nghệ.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các vấn đề mang tầm chiến lược đất nước. Thứ 3, nghiên cứu đường lối phát triển kinh tế biển như thế nào để tạo động lực, tiềm năng kinh tế biển rất lớn như nước ta. Thứ tư, phải làm sao tận dụng được cơ cấu doanh thu vào cho phát triển.

Thứ năm, tìm ra cơ chế đột phá để thúc đẩy kinh tế vùng làm cho các vùng kinh tế không bị cát cứ như thời gian qua. Thứ sáu, những phương thức tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số làm sao để cuộc cách mạng này lan tỏa, rộng khắp, mạnh mẽ.

Thứ bảy, xây dựng mô hình phù hợp chúng ta có thể áp dụng để tìm ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta. Thứ tám, cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm lời giải tốt hơn cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt các vấn đề về tích tụ ruộng đất, sử dụng đất đai. Thứ chín, quản lý đô thị thông minh, vấn đề quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn và sự quản lý tốt hơn.

Thứ mười, định vị Việt Nam như thế nào trong quan hệ phức tạp của bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới hiện nay. Bởi vì chiến lược phát triển kinh tế không thể tách rời vấn đề an ninh quốc phòng, chính sách đối ngoại, quan hệ đa phương.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng: Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, nhưng đồng thời cũng là các vấn đề hết sức thời sự, cấp thiết. Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn