MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng góp ý về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Cần trao quyền chủ động cho Tổng LĐLĐVN quyết định số lượng cán bộ công đoàn

NHÓM PV LDO | 18/06/2024 11:20

Theo đại biểu Quốc hội, việc giao quyền cho Tổng LĐLĐVN chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống, khắc phục tình trạng "cào bằng" trong phân bổ biên chế.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 18.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó tăng quyền chủ động của Công đoàn trong việc bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo đại biểu, thời gian tới, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có giới hạn.

Đại biểu dẫn chứng hiện nay, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quản lý từ 6.000 công đoàn viên trở lên nhưng biên chế chỉ có từ 1-2 cán bộ chuyên trách; hay như một số công đoàn khu công nghiệp, LĐLĐ huyện, có những đơn vị quản lý trên 130.000 đoàn viên nhưng biên chế cán bộ chuyên trách chỉ từ 7-8 người...

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của hoạt động Công đoàn. Mặt khác, cần quan tâm, bố trí cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy mô, số lượng đoàn viên ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) cho biết, thực tiễn thời gian qua, việc quyết định, bố trí cán bộ chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Tổng LĐLĐVN có giải pháp đề xuất quy định biên chế phù hợp của tổ chức Công đoàn.

Theo đó, cần chủ động và có căn cứ sắp xếp, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại đơn vị sử dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, dự thảo luật quy định việc tăng quyền chủ động của tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ tại Khoản 3, 4 của Điều 26, theo đại biểu quy định như vậy là phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung quy định giao quyền cho Tổng LĐLĐVN chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống Công đoàn.

Theo đại biểu, điều này cũng khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau, khắc phục tình trạng cào bằng trong phân bổ biên chế.

"Điều này có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Việc phân bổ biên chế đi đôi với việc cân đối nguồn lực tài chính đảm bảo chi hành chính, chi cho hoạt động phong trào của các cấp Công đoàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính Công đoàn; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong quản lý biên chế, quản lý sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ công đoàn", đại biểu nhấn mạnh.

Việc trao quyền chủ động cho Tổng LĐLĐVN quyết định số lượng cán bộ công đoàn là lao động hợp đồng trong các cơ quan chuyên trách và ở công đoàn cơ sở nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn