MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần xem lại các quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ của ông Chu Ngọc Anh

Nhóm PV LDO | 09/06/2022 18:08

Bên hành lang Quốc hội chiều 9.6, đề cập đến việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp sở của cựu Chủ tịch Chu Ngọc Anh, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, điều này là bình thường, nhưng cần xem lại các quyết định đó có đúng quy trình không?

Cần xem xét các quyết định bổ nhiệm của ông Chu Ngọc Anh có đúng quy trình không?

Trước khi bị kỷ luật và bắt giam, ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp sở, phòng của TP.Hà Nội trong ngày 2.6. Dư luận đặt nghi vấn về tính bất thường trong các quyết định bổ nhiệm này, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, khi ông vẫn còn làm Chủ tịch Hà Nội, ông vẫn có quyền bổ nhiệm, điều này là bình thường. Bởi việc thực hiện quyền năng pháp lý của chủ thể khi chức năng Chủ tịch UBND TP.Hà Nội của ông Chu Ngọc Anh chưa bị đình chỉ, chưa bị hạn chế hoặc ngăn chặn bởi bất cứ lý do nào, ông ấy có quyền thực thi nhiệm vụ của mình. Đó là điều hết sức bình thường.

Dù vậy, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét trong giai đoạn đó trở về trước, các quy định bổ nhiệm của ông Chu Ngọc Anh có đúng quy định, quy trình không, người được bổ nhiệm có xứng đáng không? Khi gắn việc điều tra, xem xét trách nhiệm của ông Chu Ngọc Anh trong một vụ việc khác, có thể xét đến động cơ, mục đích của ông ấy trong việc bổ nhiệm cán bộ. 

Nhưng cũng đừng vì ngay sau thời điểm ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, mà cho rằng những hoạt động ở thời điểm trước của ông không thích đáng. Không nên cực đoan như vậy.

Trường hợp của ông Chu Ngọc Anh hoàn toàn khác với trường hợp được thông báo nghỉ hưu và buộc chủ thể pháp lý phải ý thức được việc bổ nhiệm của mình. Đừng vì việc ông Chu Ngọc Anh trở thành bị can mà có cái nhìn không công bằng.

Đại biểu Quốc hội ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: QH

Dư luận cũng đặt vấn đề nhiều cán bộ trước khi về hưu thường có "chuyến tàu vét cuối cùng". Vậy, trường hợp của ông Chu Ngọc Anh có phải "chuyến tàu vét cuối cùng" không, thưa ông?

- Có hai việc phải xem xét. Thứ nhất là quy trình, thủ tục bổ nhiệm đã khách quan chưa? Thứ hai, đối tượng được bổ nhiệm có xứng đáng ngồi vào vị trí đó hay không? Có đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc bổ nhiệm cán bộ không? Kể cả ông Chu Ngọc Anh không bị khởi tố, bắt tạm giam vẫn phải xem xét vấn đề này và có thể xem xét bất cứ lúc nào.

Vậy cơ quan nào có thẩm quyền giám sát, xem xét việc bổ nhiệm này, thưa ông?

- Các cơ quan liên quan đến việc bổ nhiệm đều có quyền xem xét và giám sát và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước quy định của Đảng về việc bổ nhiệm này: Từ việc giới thiệu, thẩm định hồ sơ, xem xét quy trình bỏ phiếu…, phải rà lại các bước này xem có gian lận quy trình không?

Cần phải tổng điều tra, xem xét

Lâu nay công tác cán bộ chỉ được rà soát khi cán bộ lãnh đạo có vấn đề hoặc có liên quan đến những vi phạm nào đó. Theo ông, Bộ Nội vụ có nên vào cuộc xem xét không?

- Khi dư luận nghi ngờ rất cần phải thanh tra, xem xét và có câu trả lời trước dư luận. Nhưng vẫn phải nói lại, về mặt pháp lý, ông Chu Ngọc Anh hoàn toàn có quyền bổ nhiệm khi chưa bị ngăn chặn, chưa bị cách chức vì tính liên tục của chức danh chủ tịch phải luôn luôn được bảo đảm. Cho nên, phải xem xét bản chất, kết quả bổ nhiệm đó là đúng hay sai pháp luật.  

Để làm được điều này, cần phải tổng điều tra, xem xét. Bởi, trên thực tế có tình trạng, khi vừa bổ nhiệm nói là trong sạch, tích cực, đánh giá rất tốt, thời gian sau lại trở thành tội phạm. Tôi đã đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này nhưng không được chấp thuận.

Tức là giám sát ngay từ khi lựa chọn cán bộ chuyên môn vào vị trí lãnh đạo đúng không, thưa ông?

- Theo quy định là có giám sát. Giám sát bằng nhiều con đường như kiểm soát ngay trong quá trình làm thủ tục. Ví dụ hội nghị cán bộ chủ chốt để giới thiệu nhân sự vào vị trí lãnh đạo thì hội nghị đó chính là một cơ chế từ kiểm soát, giám sát. Nếu giới thiệu một cán bộ không trong sạch vào vị trí lãnh đạo, theo quy định của Đảng, có thể truy cứu trách nhiệm tập thể. 

Thưa ông, với trường hợp có sai phạm, khi nào chủ thể nắm giữ chức danh quản lý mới chấm dứt hành vi pháp lý của mình?

Vị trí pháp lý của chủ thể lãnh đạo cần có tính liên tục, bởi chính quyền không thể một ngày không có lãnh đạo, không có người đứng đầu. Khi cơ quan chức năng đình chỉ, hạn chế hoặc cách chức thì chủ thể nắm giữ chức danh đó mới chấm dứt hành vi pháp lý của mình.

Phải phân biệt rất rõ nhân vật pháp lý với một con người cụ thể. Nhân vật pháp lý ở đây là chức danh được Nhà nước công nhận, bảo đảm tính liên tục trong hoạt động chính quyền, khác với con người cụ thể.

Khi trong một thời điểm cụ thể, cơ quan chức năng phát hiện con người cụ thể vi phạm pháp luật, thì phải chấm dứt hành vi của họ để thay thế bằng người khác. Khi chưa có chức danh đó, phải cử một phó thay thế để phụ trách, đó là tính liên tục của chính quyền.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn