MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: QH

Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ có ý nghĩa xã hội lớn, giữ người lao động ở ĐBSCL

NHÓM PV LDO | 10/06/2022 15:45

Bộ trưởng Bộ Giao thông khẳng định, ngoài việc tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề có ý nghĩa xã hội rất lớn, giữ người lao động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bởi hiện nay các tỉnh đang đối mặt với vấn đề di cư.

Chiều 10.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, các dự án sẽ tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề có ý nghĩa xã hội rất lớn là giữ người lao động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long không phải lên TPHCM, hoặc Bình Dương, bởi hiện nay các tỉnh đang đối mặt với vấn đề di cư.

Với cao tốc là Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, đây là một vùng có nhiều tiềm năng. Người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế vì vậy hai dự án này không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế, mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, chúng ta không chần chừ được nữa, bởi không có tuyến đường này, sắp tới mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải cũng không vận chuyển hàng xuống được.

Bởi chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ 51, 8 làn xe nhưng quá tải nghiêm trọng. Cảng Cát Lái TPHCM cũng quá tải nếu không triển khai dự án này sẽ không tạo sự đột phá về cảng biển.

Về nguồn vốn, Bộ trưởng cho biết, đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, 10 năm qua Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng không thành công. Do vậy, đến thời điểm này hình thức đầu tư công là hợp lý nhất, bởi nếu chậm chậm trễ thì TPHCM và Đồng Nai không phát triển được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết của việc đầu tư triển khai đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.

Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây được 3 dự án rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các công trình cũng phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông sông Cửu Long nói riêng.

Qua thảo luận, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến mức độ hấp thụ vốn của các dự án, khả năng cân đối vốn, phân bố nguồn lực,  tính khả thi của dự án, tiến độ thực hiện dự án, phương án thu hồi vốn, phương thức vận hành khai thác sau đầu tư, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế, của các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ.

Xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn