MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Đ.T

Chậm giải ngân đầu tư công là bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng

Phong Nguyễn LDO | 18/07/2020 10:51

Trì trệ trong đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công đang là căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm nay, cần một liều thuốc mạnh để dứt bệnh. Đặc biệt, đã đến lúc thực hiện các biện pháp “mạnh tay”, mạnh dạn áp dụng cơ chế “không bình thường”, bởi sau dịch COVID-19, đầu tư công được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng để đưa đất nước vượt qua khó khăn sau đại dịch. 

577.000 tỉ đồng đầu tư công đang chờ giải ngân

Theo Bộ KHĐT, trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình giải ngân còn rất chậm. Đặc biệt, năm nay lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái, hiện nguồn vốn còn tới 577.000 tỉ đồng đang chờ giải ngân.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết 6 tháng năm 2020, có 9 bộ, ngành và 37 địa phương có số ước giải ngân đạt trên 30% kế hoạch năm. Trong đó, 4 bộ, ngành và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%. Tuy nhiên, có đến 34 bộ, ngành trung ương và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 10 bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Đáng chú ý, có một số ngành trung ương chưa giải ngân đồng vốn nào. Ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 khoảng 159.397 tỉ đồng, chỉ đạt 33,9% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước 145.270 tỉ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài hơn 7.061 tỉ đồng (đạt 12,52% kế hoạch) và vốn chương trình mục tiêu quốc gia ở mức 7.065 tỉ đồng (25,85% kế hoạch).

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng ngại, kéo dài nhiều năm qua. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Đặc biệt, với tốc độ giải ngân dưới 20%, các tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Trà Vinh, Đồng Nai, Ninh Thuận đang ỳ ạch cách xa vạch đích, bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng không chỉ trong năm nay. 

Cần mạnh dạn áp dụng cơ chế “không bình thường”

Theo TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - đầu tư công đang rất trì trệ và khả năng sẽ còn trì trệ nếu không vượt qua những quy định đang “cài răng lược”, cản trở nhau hiện nay, sẽ còn trì trệ nếu không vượt qua được những nguyên tắc, quy trình đã làm khó đầu tư công nhiều năm nay. 

Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề dám mạo hiểm, mạnh dạn áp dụng cơ chế “không bình thường”, dám đương đầu với rủ ro để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng - giảng viên chính Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - nêu ý kiến: Cần phải nhìn nhận tổng thể những tác động cả trong và ngoài. Thứ nhất là động lực. Có những việc mang lại lợi ích lớn người ta mới làm mạnh. Thứ hai là tạo áp lực? Thủ tướng đang yêu cầu giải ngân nhanh nếu không sẽ mất thành tích thi đua. Đó chính là áp lực. Nhưng áp lực này có đủ mạnh hay không, mất thi đua một tí có khi chả sao nhưng tiền bỏ ra không thu hồi được thì ai chịu trách nhiệm? Thứ ba là năng lực. Trong bối cảnh hiện nay đầu tư vào đâu sẽ nhanh và hiệu quả. Khi nền kinh tế cả thế giới và trong nước đang đi xuống, đầu tư phải có tỉ lệ thu hồi. Tiếp theo là nguồn lực. Nguồn lực liên quan đến cả môi trường, thể chế chính sách, lao động, năng lực tư vấn… có mạnh hay không? Nếu như muốn làm giỏi nhưng năng lực và nguồn lực thiếu nhiều thì rất khó!

Năm 2020, TP.Đà Nẵng có 54 công trình đầu tư công từ vốn ngân sách nhà nước, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu. Đến nay có 2 dự án hoàn thành chiếm tỉ lệ 3,7%, 27 dự án đang triển khai chiếm 50%, 25 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư chiếm 46,3% (trong đó có 13 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư). Nguyên nhân theo đánh giá chủ yếu do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, công tác đền bù giải toả, bố trí tái định cư, năng lực của các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế và trách nhiệm của các ban quản lý dự án.  H.L

Khánh Hòa “gỡ” 22 dự án vướng mắc

Theo báo cáo của Sở KHĐT tỉnh Khánh Hòa, tính đến nay, tỉnh này có 22 dự án bị vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó tập trung chủ yếu tại TP.Nha Trang với 8 dự án. Nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân chậm là do phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn tới tiến độ thi công các công trình bị chậm.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - tại văn bản 112 (ngày 3.7), do chậm trễ trong việc triển khai Nghị định 68 (ngày 14.8.2019) và các thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện nghị định trên. Sở TNMT kiểm tra, trình Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh trước 25.7.2020. Nhiệt Băng

TPHCM:  Phải tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến ngày 30.6, TPHCM đã giải ngân hơn 14.297 tỉ đồng, đạt 34,29% so với kế hoạch vốn đã giao là hơn 41.691 tỉ đồng, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ (cùng kỳ giải ngân là  hơn 7.000 tỉ đồng, đạt 20,8% kế hoạch). Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ và bối cảnh hiện nay, kết quả nêu trên vẫn chưa đạt, chưa trở thành nhân tố then chốt để vực dậy kinh tế thành phố trong trạng thái bình thường mới. MINH QUÂN

Đồng Nai: Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai có nguồn vốn ngân sách Trung ương giao về cho tỉnh Đồng Nai để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nguồn vốn này đang trong quá trình triển khai nhưng gặp nhiều thủ tục triển khai dự án rất “rườm rà” và mất thời gian.

Hiện, UBND huyện Long Thành đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 269 hộ dân, diện tích hơn 90ha với số tiền hơn 430 tỉ đồng. Đối với 738 hộ còn lại, diện tích 539,5ha còn lại đang trong quá trình kiểm tra, phê duyệt. HÀ ANH CHIẾN

Giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Trị mới đạt 24%

Việc giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Quảng Trị đến tháng 6.2020 chỉ đạt 24%. Riêng tại huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), giải ngân vốn đầu tư công chỉ 55,35 tỉ đồng, đạt 16,31% so với kế hoạch. Nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân thấp là do tác động của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, trong năm 2020, hệ thống định mức xây dựng, đơn giá thi công, máy móc thi công và các hệ số chi phí được thay đổi nên thời gian lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng cũng bị kéo dài.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, địa phương đã đề ra những giải pháp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc do giải phóng mặt bằng, gắn việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của chủ đầu tư với kết quả giải ngân. Hưng Thơ

Tiền Giang đã giải ngân hơn 80%

Tỉnh Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Cụ thể, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Tiền Giang trong năm 2020 là 5.413 tỉ đồng, tính đến ngày 30.6.2020 đã giải ngân hơn 80%.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - ông Lê Văn Hưởng - cho biết, UBND tỉnh đã phân công 4 đồng chí thường trực UBND tỉnh thành lập các tổ làm việc với các huyện, thị, thành để giải quyết hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Nhờ đó mà việc giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều thuận lợi, đảm bảo tiến độ. Kỳ Quan

Cần Thơ: Giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 18,57%?

Tại TP.Cần Thơ, trong năm 2020, tổng các nguồn vốn đầu tư công là trên 6.573 tỉ đồng, tăng 30,34% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30.6, tổng vốn thực hiện đã bố trí theo quyết định của UBND thành phố là gần 6.306 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân 1.171 tỉ đồng, chỉ đạt 18,57%. TRẦN LƯU

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn