MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Chậm gửi quyết toán ngân sách, Bộ Y tế nói do hoạt động thanh tra, điều tra

PHẠM ĐÔNG LDO | 12/05/2023 11:27

Giải trình việc chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, do có nhiều sự việc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra về công tác cán bộ, nên lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự tập trung chỉ đạo.

Chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách

Tiếp tục phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12.5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.

Về quyết toán NSNN, ông Tuấn cho biết, một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật NSNN, cá biệt trường hợp Bộ Y tế chậm gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 đến 3 tháng. Bộ Tài chính chậm thẩm định, thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm 2021, quyết toán theo niên độ vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương của một số bộ, ngành theo quy định.

"Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, chậm hoàn thành việc thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc" - ông Tuấn nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lý do Bộ Y tế chậm nộp báo cáo quyết toán, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, một phần nguyên nhân các đơn vị nộp chậm do thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 có nhiều sự việc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra về công tác cán bộ, nên lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự tập trung chỉ đạo công tác chỉ đạo nộp lên Bộ Y tế.

Một số đơn vị chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương

Tiếp đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét đối với quyết toán NSNN năm 2021 do Chính phủ trình để báo cáo Quốc hội phê chuẩn: thu cân đối NSNN 2.387.906 tỉ đồng; chi cân đối NSNN 2.484.491 tỉ đồng; bội chi NSNN 214.105 tỉ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện.

Báo cáo cũng nêu nhiều hạn chế cần phải được chấn chỉnh, đáng chú ý là trong năm 2021 còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (Hà Tĩnh 100,3 tỉ đồng; Bình Định 271,5 tỉ đồng; Quảng Ngãi 244,4 tỉ đồng; Hải Phòng 14,2 tỉ đồng; Quảng Ninh 20,7 tỉ đồng; Sơn La 51,9 tỉ đồng; Quảng Bình 63,5 tỉ đồng; Bắc Giang 35,1 tỉ đồng…).

Về thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo nêu, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, không lập dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi không đúng quy định.

Về nợ công thì trong năm 2021 có 3 khoản vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách Trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ 198.864 tỉ đồng; việc lập kế hoạch vay và báo cáo tình hình vay nợ của các địa phương chưa kịp thời theo quy định. Một số chỉ tiêu nợ công phản ánh trên các báo cáo tại Kho bạc nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn chưa thống nhất.

Việc lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính cũng được Kiểm toán Nhà nước nhận xét là chậm so với quy định tại khoản 4 Điều 70 Luật NSNN.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho hay, hồ sơ báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được lập cơ bản đầy đủ theo quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục…

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021. Làm rõ trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn