MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Ảnh: A.C

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước

HOA LÊ LDO | 07/08/2018 06:30
Sáng 6.8, Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.

2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại mỗi năm

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.

Tại hội nghị, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.

Còn ông Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) - cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Lực lượng công an đã xác minh, điều tra xử lý hình sự 538 vụ và 579 đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trẻ em là những thông điệp sống gửi gắm vào tương lai

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nhấn mạnh, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.

Trước tình trạng toàn quốc mới có 590/11.162 - khoảng 5% cấp xã bố trí người làm công tác trẻ em, người đứng đầu Chính phủ đề nghị, Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác này trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.

“Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu. Các mô hình này là cần thiết, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bối cảnh hiện nay nhiều giá trị truyền thống gia đình bị mai một, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục bảo vệ con em mình.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về Trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền. Thủ tướng cũng lưu ý, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em, đừng để tình hình nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bạo lực, xâm hại trẻ em để lại di chứng khó lành trong tâm hồn

Ngoài 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện, được can thiệp, được hỗ trợ, được đưa vào số liệu thống kê, còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện? Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà nhiều người thấy là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, là ảnh hưởng xấu tới phát triển của trẻ em? Điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ - nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại được nghiêm trị - nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Đoàn Luật sư TPHCM: Cần tăng nặng hình phạt với các đối tượng hiếp dâm trẻ em

Cần tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em tại các điều 142, 144, 145, 146 của Bộ luật Hình sự 2015 đã sửa đổi bổ sung 2017. Đối với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em cần bổ sung hình phạt thiến hóa học. Đối với tội phạm này, cần có chế tài xử lý nghiêm ngặt hơn quy định hiện hành. L.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn