MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường giao thông Quốc lộ 1A - Đầm Môn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù. Ảnh: Nhiệt Băng

Chậm trễ đầu tư công ở Khánh Hòa: Cán bộ nào không làm sẽ bị đình chỉ

Nhiệt Băng LDO | 22/07/2020 06:27

Trước tình trạng hàng chục dự án không giải ngân hoặc giải ngân rất thấp, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định cho biết cán bộ nào chậm trễ, ì ạch, không làm, làm không được, làm không hiệu quả... thì đình chỉ công tác, bố trí công tác khác.

Ông Định cho biết thời gian đến, tỉnh Khánh Hòa phải có giải pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, làm rõ trách nhiệm cá nhân. Trong đó, các đơn vị 10 ngày báo cáo lãnh đạo tỉnh kết quả 1 lần, dự án nào không giải ngân được, không làm tốt thì điều chuyển vốn cho dự án mới.

"Cùng với đó, cán bộ nào chậm trễ, ì ạch, không làm, làm không được, làm không hiệu quả... thì đình chỉ công tác, bố trí công tác khác" - ông Định quả quyết. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, đến hết tháng 6 năm 2020 có 47 công trình, dự án chậm tiến độ, không giải ngân hoặc giải ngân rất thấp, trong đó có 25 dự án vướng đền bù, giải tỏa (11 dự án mới và 14 dự án năm 2019 chuyển qua); 22 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.

Trong kế hoạch đầu tư công năm 2020, 16 sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án (trong đó sở, ngành ít nhất từ 1-2 dự án và sở, ngành nhiều nhất từ 9-10 dự án). Các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, mỗi ban được giao chủ đầu tư từ 3-5 dự án.

HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh đánh giá năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, để từ đó đề ra các giải pháp kiên quyết, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong đầu tư công.

HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại nhiều năm đối với việc chậm trễ trong công tác đền bù, giải tỏa; thực hiện các thủ tục đầu tư (đối với các dự án đầu tư công) nhằm giải ngân hết nguồn vốn được bố trí thực hiện kế hoạch, khắc phục tình trạng kéo dài hoặc phải chuyển vốn sang năm sau, thúc đẩy tăng trưởng, nhất là sau đại dịch COVID-19. 

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân chậm là do phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn tới tiến độ thi công các công trình bị chậm. Các dự án mới khởi công sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng chung, dự phòng 10% phải hoàn thiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư mới đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án còn chậm, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Các bước công bố giá ca máy, thiết bị thi công xây dựng và đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh chậm ban hành.

Về thủ tục đầu tư, theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại văn bản 112 (ngày 3.7), do chậm trễ trong việc triển khai Nghị định 68 (ngày 14.8.2019) và các thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện nghị định trên, nên ảnh hưởng đến công tác lập, trình phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán công trình và triển khai thi công, do đó làm giảm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn