MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
10 tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

"Chặt chém" du khách làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam

PHẠM ĐÔNG LDO | 15/11/2023 11:07

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.

Sáng 15.11, phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua; định hướng và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỉ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Cùng với đó, du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các lãnh đạo, của ngành, của cộng động doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, nguyên nhân của hạn chế này do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn.

Xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam. Việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch COVID-19.

Các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm... đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.

Bên cạnh đó, công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch.

Trong đó, nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...

Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.

Bộ trưởng cũng đề xuất kéo dài thời gian nộp thuế VAT thêm 12-24 tháng, hoãn thời gian nộp tiền thuê đất.

Xem xét, giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch theo nguyên tắc lãi suất cho vay không cao quá 3% so với lãi suất gửi. Nới lỏng quy định cho vay của các ngân hàng thương mại cho các khoản vay vốn lưu động. Gia hạn các khoản vay bị tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm.

Đề xuất các chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế; chính sách thuế đất phù hợp đối với các khu du lịch; chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng gắn với du lịch, khuyến khích hợp tác công - tư trong đầu tư và vận hành sân bay, bến cảng du lịch.

Đồng thời có các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các công viên chủ đề, công trình văn hóa, tổ hợp vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn