MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT: Nâng đường, nhà dân thành hầm, ai chịu trách nhiệm?

Khánh Hoà LDO | 04/06/2018 09:43

Vừa mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sáng 4.6, có tới 36 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi trong đó 3 đại biểu đầu tiên chất vấn những vấn đề liên quan tới chênh lệch thời gian của các dự án BOT, nâng đường biến nhà dân thành hầm...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình thắc mắc về vấn đề chênh lệch số năm thu phí giữa dự toán các dự án BOT giao thông và kết quả kiểm toán nhà nước đồng thời đặt câu hỏi về hướng khắc phục trong việc thu phí các dự án mở rộng đường QL1.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng đây là vấn đề cả xã hội quan tâm và nhận định chênh lệch giữa dự toán trong hợp đồng BOT và kiểm toán nhà nước là hiển nhiên bởi theo luật tổ chức đấu thầu các dự án BOT, việc ký hợp đồng trên cơ sở dự án được duyệt trong đó có phần dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng, dự phòng giải phóng mặt bằng và bộ GTVT đã chủ động kiến nghị KTNN kiểm toán trước khi quyết toán. Trong thời gian qua, bộ triển khai 56 dự án BOT và hiện đã kiểm toán 50 dự án, còn 6 đang triển khai kiểm toán và giá trị sau quyết toán là căn cứ để điều chỉnh thời gian thu phí. 

Theo ông Thể, khi so sánh thời gian thu phí của KTNN và quyết toán luôn tương đồng, tại nhiều dự án quyết toán thấp hơn KTNN và sự phát hiện của KTNN rất đúng nhưng bộ GTVT cũng đúng khi đảm bảo quyền lợi của người dân, DN và nhà nước với các dự án BOT. Thời gian qua, dù mặt bằng giá tăng cao, bộ đã phối hợp với địa phương rà soát giảm toàn bộ 56 dự án BOT. 

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra thực trạng mỗi khi nâng cấp đường, nền đường lại tăng cao làm nhà dân ngày càng thấp và phải tốn chi phí sửa chữa và đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân?

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận có phần trách nhiệm của bộ về vấn đề này và cố gắng đưa ra giải pháp ít ảnh hưởng nhất tới người dân.

Tuy nhiên, theo luật xây dựng, chỉ có quy định cốt nền với đường trong đô thị còn đường ngoài đô thị không quy định cốt nền. Ông Thể xin nhận trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước khi chưa có giải pháp hài hoà nhất và địa phương cũng có trách nhiệm phối hợp với bộ để có giải pháp phù hợp...

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định phản ánh tình trạng xuống cấp của đường QL1 đoạn qua Bình Định và đặt câu hỏi về trách nhiệm cũng như giải pháp của Bộ GTVT.

Trả lời vấn đề này, ông Thể thừa nhận sau khi hoàn thành năm 2015, vừa qua 1 số đoạn ở Bình Định rất xấu mà nguyên nhân chính là do thời tiết khắc nghiệt, bão lũ nhiều, lớn, lưu lượng lớn, tải trọng nặng, 1 số xe quá tải quá khổ mà công tác kiểm soát chưa đảm bảo tốt. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị duy tu sửa chữa nhưng kinh phí duy tu hạn chế chỉ đáp ứng 30% yêu cầu, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Ông Thể xin tiếp thu ý kiến cho Tổng cục Đường bộ nghiên cứu xử lý triệt để...

Về trách nhiệm của bộ, ông Thể cho rằng việc thực hiện của bộ đảm bảo đúng quy định nhưng nhận trách nhiệm chưa kịp thời sửa chữa tốt nhất. 

Về vấn đề trạm BOT mật độ dày đặc, ông Thể cho rằng việc triển khai phù hợp với quy định nhưng thừa nhận mật độ dày đặc ảnh hưởng tới người dân, làm tăng chi phí phát sinh nhưng cũng mong đồng bào thông cảm và bộ đang thực hiện giảm tối đa các trạm, ưu tiên giảm giá, không ưu tiên thời gian và khẳng định đã và đang làm hết trách nhiệm của bộ trong vấn đề này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn