MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành. Ảnh: Quochoi.vn

Chất vấn và trả lời chất vấn đối với 9 lĩnh vực

CAO NGUYÊN LDO | 19/08/2024 10:46

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 12 nội dung quan trọng và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Ngày 19.8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ủy ban TVQH) khai mạc phiên họp thứ 36. Dự kiến trong vòng 4 ngày làm việc, Ủy ban TVQH sẽ xem xét cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, căn cứ Chương trình công tác năm 2024, Ủy ban TVQH xem xét 12 nội dung quan trọng và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban TVQH cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ trình Quốc hội, nếu được Chính phủ chuẩn bị tốt, các cơ quan thẩm tra đồng thuận với cơ quan soạn thảo, Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đồng thuận cao có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.

Ủy ban TVQH xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng bệnh.

Đến nay, khối lượng công việc các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9 đã rất lớn, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay từ thời điểm này cần phải xem xét, tính toán việc bổ sung các dự án luật sao cho phù hợp.

“Đã bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị kỹ, cơ quan thẩm tra cũng phải thẩm tra chặt chẽ, đúng quy trình; những vấn đề nào ‘đã chín, đã rõ’ thì đưa vào luật, những vấn đề ‘chưa chín, chưa rõ’, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu, không vì thời gian gấp mà bỏ qua các công đoạn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề xây dựng pháp luật vừa qua có kẽ hở nào, công đoạn nào làm chưa kỹ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, các dự án luật phải làm thật kỹ, thật chắc, các dự án luật phải có "tuổi thọ" và chất lượng cao.

Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban TVQH sẽ dành 1,5 ngày (cả ngày 21.8 và sáng ngày 22.8.2024) cho hoạt động chất vấn.

Qua đó, sẽ đánh giá toàn diện, tổng thể về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban TVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 liên quan đến 9 lĩnh vực.

Nhấn mạnh khối lượng công việc của phiên họp này rất nhiều, thời gian chỉ 4 ngày, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo ngắn, gọn, rõ, phát biểu thẳng vào vấn đề.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án luật theo đúng trình tự, thủ tục, tránh việc đăng ký vào chương trình nhưng lại không chuẩn bị kịp; bám sát chương trình, chủ động chuẩn bị nội dung để sẵn sàng tham dự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn