MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giai đoạn 2023-2030 sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ảnh: Hải Nguyễn

Chế độ chính sách với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính

Vương Trần LDO | 03/04/2023 06:00

Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ việc sau khi sắp xếp.

Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tự nguyện nghỉ việc sau sắp xếp

Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, giai đoạn 2023-2030 sẽ tiếp tục thực hiện chính sách sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trình Chính phủ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Tờ trình của Bộ Nội vụ nêu rõ, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ việc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Ngoài các chế độ, chính sách chung theo quy định của pháp luật, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự nguyện nghỉ việc kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực.

Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 - nêu rõ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo đó, thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ bầu cử trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo (đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo do bổ nhiệm).

Sau khi hết thời hạn được bảo lưu, thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.

Các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về chế độ thôi việc; về chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác. 

Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự nguyện nghỉ việc kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành.

Ngoài các chế độ, chính sách quy định nêu trên, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Đề xuất 2 phương án trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư

Cũng liên quan tới vấn đề này, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, ngoài hưởng các chính sách theo quy định, Bộ Nội vụ xây dựng 2 phương án trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC. 

Cụ thể, dự thảo Nghị định đề nghị 2 phương án:

Phương án 1: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có  thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1.800.000 đồng (bằng 1 tháng lương  cơ sở áp dụng từ 1.7.2023). 

Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 5 năm thì tối đa mỗi người được hưởng thêm mức trợ cấp là 108.000.000 đồng (60 tháng x  1.800.000 đồng). 

Phương án 2: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình  giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.

Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 5 năm và hệ số lương trung bình là 3,66 thì trung bình mỗi người được hưởng  trợ cấp khoảng 197.640.000 đồng (3,66 x 1.800.000 đồng x 1/2 x 60 tháng).

Theo Tờ trình về dự thảo nghị định này, Bộ Nội vụ đề nghị  thực hiện theo phương án 1 để nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối  với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ ngay theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị và của UBTVQH. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn