MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định Quy định về tinh giản biên chế trình Chính phủ. Ảnh: Hải Nguyễn

Chế độ với đối tượng thôi việc ngay theo chính sách tinh giản biên chế

Vương Trần LDO | 20/03/2023 07:00

Các đối tượng thôi việc theo chính sách tinh giản biên chế được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định Quy định về tinh giản biên chế lấy ý kiến nhân dân, trình Chính phủ.

Chính sách tinh giản biên chế được ban hành tạo cơ sở pháp lý để áp dụng chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. 

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm đó là các chế độ, trợ cấp với những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế thực hiện chính sách thôi việc.

Theo dự thảo nghị định, chính sách thôi việc tinh giản biên chế được chia thành chính sách thôi việc ngay và chính sách thôi việc sau khi đi học nghề.

Theo đó, với chính sách thôi việc ngay, những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi tối đa thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi quy định tại nghị định này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp đó là:

Được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng để tìm việc làm; 

Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội. 

Với chính sách thôi việc sau khi đi học nghề, những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ đó là:

Được hưởng nguyên lương hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng; 

Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;

Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm; 

Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội; 

Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm. 

Theo dự thảo nghị định, các đối tượng thôi việc quy định nêu trên được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; không được hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27.4.2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo số liệu thẩm tra tinh giản biên chế đến ngày 15.10.2018 và số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến 30.6.2022 của Bộ Nội vụ thì số liệu tinh giản biên chế của các Bộ, ngành, địa phương đến nay là 79.024 người (Bộ ngành: 5.510 người; địa phương: 73.5134 người).

Nếu tính theo chính sách được hưởng thì đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất (tỷ lệ 81,813%); chính sách thôi việc ngay (tỷ lệ 18%); chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước (tỉ lệ 0,115%) và thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề (tỉ lệ 0,072%). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn