MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov. Ảnh: P.V.

Chiếc cà vạt của Đại sứ và sứ mệnh thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Kazakhstan

Hà Liên LDO | 12/09/2019 09:37
Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov chia sẻ trong cuộc gặp báo giới Việt Nam chiều 3.9 rằng, hai nước có tiền đề chính trị rất tốt để cho phát triển kinh tế, thương mại nhưng lại cách xa về vị trí địa lý. Do đó, “tôi rất muốn củng cố thêm mối quan hệ thương mại, kinh tế giữa Kazakhstan và Việt Nam”.

Cánh cửa rộng mở cho may mặc Việt Nam ở Kazakhstan

Kazakhstan và Việt Nam thiết lập quan hệ năm 1992. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế - thương mại giữa 2 nước chỉ thực sự bắt đầu khi Việt Nam ký  Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu tháng 5.2015. Nhờ vậy, 3 năm gần đây, thương mại Việt Nam - Kazakhstan tăng lên 500 triệu USD, vượt xa so với mức khoảng 60 - 70 triệu USD trước đây.

Tại cuộc gặp gỡ báo giới Việt Nam, Đại sứ Yerlan Baizhanov chia sẻ nhiều nội dung có tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, trong đó khẳng định, Kazakhstan rất mong có nhiều nhà đầu tư may mặc từ Việt Nam đến đầu tư. Theo đại sứ, trong lĩnh vực may mặc, các nhà đầu tư sẽ có nhiều điều kiện để phát triển bởi “hầu như không có đối thủ” trong khi các lĩnh vực như dầu khí, sản xuất kim loại, xây dựng… thì tỉ lệ cạnh tranh cao hơn.

“Việt Nam được xem là xưởng may của thế giới, có các nhà quản lý, các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Chiếc cà vạt của tôi mua tại Hà Nội chỉ với 100 nghìn đồng trong khi ở Kazakhstan phải mất ít nhất 20USD (gần 500 nghìn đồng). Do đó, nếu các nhà đầu tư Việt Nam sang Kazakhstan để đầu tư trong lĩnh vực may mặc thì Bộ trưởng Bộ Đầu tư của chúng tôi sẽ làm tất cả có thể để chào đón” - ông nhấn mạnh.

Được biết, Kazakhstan sản xuất cotton, da, lông nhưng chủ yếu cho xuất khẩu, rất ít tự sản xuất hàng may mặc phục vụ nhu cầu nội địa. Đại sứ Yerlan Baizhanov tiết lộ, Kazakhstan chưa có nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực may mặc, trong khi đó, các doanh nghiệp sở tại hiện chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu tiêu dùng của người dân, 93% còn lại từ nhập khẩu từ thị trường Tây Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Do đó, các nhà đầu tư Việt Nam sẽ “có nhiều không gian để phát triển”.

Nhà ngoại giao Kazakhstan cũng khẳng định, luật đầu tư nước ngoài của  Kazakhstan có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư. “Nếu nhà đầu tư nước ngoài đến Kazakhstan mở một nhà máy hoặc xưởng, khi đã sản xuất ra hàng hóa mới, họ sẽ được hoàn trả 30% giá trị hàng hóa đó... Thêm vào đó, chúng tôi cũng có chính sách miễn trừ thuế cho nhà đầu tư trong vòng 5 năm. Ngoài ra, đối với từng nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực may mặc, Kazakhstan có từng ưu đãi riêng” - Đại sứ nhấn mạnh.

Mối lương duyên với Việt Nam và 9 mục tiêu ấp ủ

Chính thức có mặt tại Việt Nam vào đầu tháng 6.2019 sau khi được Tổng thống Kazakhstan bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam ngày 18.5 nhưng Đại sứ Yerlan Baizhanov đã kết nối với Việt Nam đã có từ trước. Ông từng học tập, công tác tại Nga, nơi có cộng đồng người Việt Nam lớn mạnh chia sẻ, thông qua họ, ông cảm nhận được sự chăm chỉ, điềm tĩnh của những người Việt Nam.

“Tôi chưa từng nghĩ sẽ trở thành đại sứ và nhất là đại sứ ở Việt Nam” -  ông chia sẻ. Nhà ngoại giao Kazakhstan tiết lộ, cha ông - Sapar Baizhanov - nguyên Tổng biên tập báo Đảng Xã hội Chủ nghĩa Kazakhstan đã 2 lần thăm Việt Nam và từng được trao danh hiệu công dân danh dự TP Hồ Chí Minh.“Tôi nghĩ, chắc chính bố tôi đã mở con đường cho tôi đến Việt Nam. Tôi rất mong trong nhiệm kì của tôi, chúng ta có thể phát triển hơn nữa quan hệ giữa 2 nước” - Đại sứ nói.

Đại sứ tiết lộ, trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, ưu tiên quan trọng nhất của ông là thúc đẩy kinh tế thương mại giữa hai nước. Tiếp theo là tăng xuất khẩu hàng Kazakhstan sang Việt Nam và tiếp sau đó là là thu hút nhà đầu tư Việt Nam sang Kazakhstan.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm báo, bản thân cũng tốt nghiệp, làm việc trong lĩnh vực này trước khi trở thành nhà ngoại giao, Đại sứ sinh năm 1962 chia sẻ, đây là điều khá thuận lợi. Và với lợi thế từ viết lách, ông đang ấp ủ ít nhất 3 bài viết để đăng tải trên truyền thông Việt Nam về quan hệ song phương, giới thiệu về văn hóa Kazakhstan…

Theo Đại sứ, chính sách đối ngoại của Việt Nam và Kazakhstan khá giống nhau. Tất cả những điều mà Việt Nam đã và đang thực hiện cũng là những nội dung mà chính sách đối ngoại của Kazakhstan hướng tới. “Tôi đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan, trong đó có nêu 9 mục sẽ thực hiện trong quá trình đảm nhận cương vị Đại sứ tại Việt Nam. Tất cả những nội dung này nhằm tăng cường quan hệ song phương theo chiều hướng tốt hơn” - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn