MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người anh hùng Đặng Đức Song kể chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Phạm Đông

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức xung trận của những người lính năm xưa

Phạm Đông LDO | 07/05/2022 10:22

Đại tá Đặng Đức Song và Trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ như in những kỷ niệm ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Sáng mãi phẩm chất chiến sĩ Điện Biên

Trong căn nhà nhỏ trên phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) những ngày đầu tháng 5.2022, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - "dũng sĩ Đồi Xanh" Đặng Đức Song (89 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hào hùng, những ngày tháng khó quên nơi chiến trường Điện Biên năm xưa.

Đại tá Đặng Đức Song.

Trong những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm” đó, ông được mọi người biết đến nhiều hơn với hai trận đánh oanh liệt là trận phòng ngự ở Đồi Xanh và trận đánh chiếm lô cốt Cột Cờ trên đồi C1.

Đại tá Song bồi hồi nhớ lại, chỉ trong 3 ngày từ 20 đến 22.11.1953, địch đã đổ 6 tiểu đoàn dù xuống Điện Biên Phủ, khoảng 4.500 quân. Khi mới vào phòng ngự ở Đồi Xanh, ông cùng các cán bộ tiểu đội đi xem trận địa. Gần 10 ngày đào hầm, hào, công sự ở cao điểm 781 - tên gọi mật khu Đồi Xanh - đơn vị ông đã chốt phòng ngự liên tục tại đây suốt 32 ngày đêm.

Ngày 5.2.1954, địch đánh từ Đồi Cháy tới chân Đồi Xanh, đơn vị ông tổ chức phản kích buộc chúng phải rút lui. 5h sáng 3.3.1954 địch đã bắt đầu bắn đại bác lên Đồi Xanh. Lúc ấy địch có khoảng một đại đội với xe tăng yểm trợ. Còn ông và các đồng đội chỉ có một trung đội, song đơn vị đã kiên cường đánh lui nhiều đợt tấn công của địch.

"Về sau, thấy tình thế bất lợi, trung đội trưởng đã ra lệnh cho đơn vị rút về phía sau. Tôi và hai người khác do ở mỏm cao, không nghe được lệnh rút quân của chỉ huy, vẫn ở lại tiếp tục chiến đấu. Một đồng chí hi sinh, còn lại tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi thấy địch bò lên cách chúng tôi chỉ chừng 20 mét.

Trong tình thế rất nguy cấp, tôi ném những quả lựu đạn xuống phía địch, làm bị thương nhiều tên. Đồng thời chỉnh súng ngắm bắn vào tên chỉ huy, hắn gục xuống. Địch phải rút lui..." - ông Song bồi hồi nhớ lại.

Ngày 5.3, tổ trung liên của ông Song được phân công cùng Trung đội 10 đánh giữ đồi. Từ sáng sớm, máy bay, xe tăng, pháo binh của địch bắn phá ác liệt. Mặc dù chỉ có 24 người, nhưng các chiến sĩ đã đánh lui bảy đợt tấn công của địch; phối hợp đơn vị cao xạ bắn rơi máy bay địch, bảo vệ an toàn Đồi Xanh.

Sau trận ấy, cả 24 chiến sĩ tổ trung liên được tặng danh hiệu "Dũng sĩ Đồi Xanh". Những ngày sau đó, đơn vị của ông chiến đấu quyết liệt để giành giật từng thước đất với địch trên đồi C1...

Những bức ảnh kỷ vật của Đại tá Song 

Suốt 32 ngày đêm phòng ngự, đơn vị ông đã đập tan nhiều đợt tấn công của địch, chấm dứt âm mưu mở rộng vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để giữ vững được trận địa ấy, không ít đồng đội của ông đã bị thương và có người đã hi sinh ngay trên chiến hào.

Sáng 7.5.1954, nhờ có lựu pháo 105 của ta bắn yểm trợ, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng hạ lệnh xung phong. Quân ta như lớp lớp sóng trào lên, áp đảo, đè bẹp sức kháng cự của kẻ thù, 600 tên địch đã phải đầu hàng. Thừa thắng tiến công, toàn trung đoàn tiến thẳng vào Mường Thanh.

“Đúng 17h30 phút ngày 7.5.1954, tướng De Castries cùng toàn bộ sĩ quan tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Giờ toàn thắng đã đến!", Đại tá Đặng Đức Song xúc động nhớ lại.

Ngày 7.5.1956, hai năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người chiến sĩ anh dũng, quả cảm Đặng Đức Song được Nhà nước tuyên dương và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Điện Biên Phủ trong lòng tướng Đặng Quân Thụy

Cùng nhớ về ngày tháng 5 lịch sử, Trung tướng Đặng Quân Thụy xúc động nhìn về bức ảnh ông tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát mặt trận ở Điện Biên Phủ, dù là ảnh đen trắng nhưng vẫn rất rõ nét. Ông Thụy dõng dạc nhắc tên từng người: ông Kim Hùng - Trưởng ban Quân báo đại đoàn 316, ông Vũ Lăng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316), Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ông - người lính trẻ năm ấy 26 tuổi.

Trung tướng Đặng Quân Thụy là người trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch ở những chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, với ông, ký ức 56 ngày đêm ở chiến dịch Điện Biên Phủ là điều gì đó rất đặc biệt.

Một sự kiện "có tác dụng xoay chuyển tình hình rất lớn" mà tướng Thụy nhớ nhất là Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức cuộc họp có mặt của lãnh đạo sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn để quán triệt và yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân.

Lý giải việc này, ông cho biết, chiến dịch Điện Biên Phủ chia làm nhiều đợt, đợt 1 từ 13 - 17.3.1954, quân ta đã mưu trí dũng cảm tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trung tướng Đặng Quân Thụy.

Đợt 2 quân ta chủ trương đánh chiếm, giải phóng cứ điểm cửa ngõ phía Đông. Lúc này, ta vướng hai điểm đánh không hết là C1 và A1. Điều này khiến chúng ta chưa thực hiện thành công được chiến dịch. Khi ấy, một số ít bộ đội ta thấy rằng như vậy là đánh quá khó, ít nhiều có sự dao động quyết tâm.

Tại cuộc họp đó, Tổng Tư lệnh mặt trận Võ Nguyên Giáp đã tổng kết, đánh giá về ưu điểm và phê phán nghiêm khắc tư tưởng không quyết tâm, ngại khó khăn gian khổ. Điều này làm trở ngại cho thắng lợi, vì vậy Đại tướng yêu cầu phải giải quyết mặt tư tưởng bằng việc tổ chức buổi sinh hoạt chính trị để củng cố, nâng cao quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ.

Trong tình hình đó thì đây là chủ trương vô cùng quan trọng, đúng đắn và sáng suốt. Từ đó, đã củng cố quyết tâm tốt cho cán bộ, chiến sỹ và tìm ra cách đánh.

Nhớ về khoảnh khắc 17h30 ngày 7.5.1954, khi quân ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết, đó là niềm hân hoan, vui mừng vô bờ bến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn