MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Chiết khấu sách giáo khoa cao gần 30%, kiến nghị thanh tra toàn diện

PHẠM ĐÔNG LDO | 14/08/2023 15:27

Cho rằng mức chiết khấu sách giáo khoa cao, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chiết khấu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chiều 14.8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Đổi mới giáo dục là vấn đề rất quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, nhân dân, cán bộ đảng viên nên Quốc hội đã quyết định giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Đây là một trong 4 chuyên đề được Quốc hội lựa chọn giám sát trong năm 2023, nhằm đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chuyên đề trình bày báo cáo.

Báo cáo của Đoàn giám sát cho rằng, giá sách theo chương trình mới cao 2-4 lần so với sách cũ.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa lớp 1 mới có giá 179.000-194.000 đồng/bộ, trong khi bộ sách cũ giá 54.000 đồng. Sách lớp 2 mới giá 179.000-186.000 đồng/bộ, trong khi bộ cũ giá 53.000 đồng. Giá sách cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) cho các đơn vị đầu mối năm học 2020-2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29%, sách bài tập 33%, sách giáo viên 15%. Năm học 2022-2023, mức chiết khấu giảm, lần lượt là 28,5%, 35% và 15%.

Đoàn giám sát đánh giá Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật. Chi phí phát hành và giá sách cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.

Toàn cảnh phiên họp chiều 14.8. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách.

Ngoài ra, theo Đoàn giám sát, việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách, nhất là với sách tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

"Chất lượng một số sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số sách giáo khoa có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng", báo cáo nêu.

Ngoài ra, theo kết quả giám sát, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cũng có bất cập. Ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót. Đoàn giám sát dẫn kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra 6 tỉnh (Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đăk Lăk, Quảng Ngãi và Khánh Hòa) có một số sai sót trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa.

Chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12).

Từ năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa mới bắt đầu được thực hiện, ở mỗi khối lớp đều có ít nhất ba bộ sách giáo khoa để các nhà trường, phụ huynh chọn lựa. Đến năm học 2023-2024, việc thay sách ở cấp tiểu học đã thực hiện đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn