MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có nhiều ý kiến về việc cần nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ room tín dụng. Ảnh: Hải Nguyễn

Chính phủ báo cáo chi tiết về việc bỏ room tín dụng

PHẠM ĐÔNG LDO | 10/10/2023 19:45

Chính phủ cho biết, việc dỡ bỏ room tín dụng cần được tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Ngày 10.10, theo tìm hiểu của Lao Động, Chính phủ vừa có báo cáo số 522/BC-CP gửi các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 với lĩnh vực ngân hàng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ nhắc đến là đề xuất nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD), thường được gọi là room tín dụng.

Hiện nay, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi rủi ro nợ quốc gia vẫn còn lớn đang gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tín dụng và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Chính vì vậy, báo cáo của Chính phủ chỉ ra việc dỡ bỏ biện pháp này cần được tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Hiện nay, NHNN đang nghiên cứu triển khai nhiệm vụ này, tuy nhiên còn một số khó khăn, vướng mắc.

Trước năm 2011, kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng để cân đối cho các nhu cầu vốn nên tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, và có tốc độ tăng rất nhanh; tỉ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh.

Điều này kéo theo hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động giữa các TCTD để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều TCTD có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức 2 con số...

Trước bối cảnh đó, từ năm 2011 đến nay, kết hợp với việc kiểm tra, giám sát hệ thống TCTD qua các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế, NHNN tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành đặc thù của từng TCTD.

Quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây.

Đến nay, đặc thù nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng để cung ứng cho các nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Trong khi đó, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.

Với điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam, nếu TCTD tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thông qua cả hệ thống các chỉ tiêu an toàn hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng, thì hệ thống TCTD có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước 2011.

Điều này không chỉ tạo nợ xấu gia tăng và đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng, mà còn rủi ro gây bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế, rủi ro lạm phát.

Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn