MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chính phủ cam kết lắng nghe, khơi thông "điểm nghẽn" cho doanh nghiệp

Long Vũ LDO | 04/12/2018 15:24
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018 tổ chức ngày 4.12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các vấn đề quan tâm của doanh nghiệp (DN) lên hàng đầu.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá “ngọn lửa nhiệt huyết trong các DN vẫn không ngừng cháy bỏng” đại diện gần 700.000 DN Việt Nam chưa có điều kiện tham dự tại diễn đàn hôm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các vấn đề quan tâm của doanh nghiệp (DN) lên hàng đầu, coi đây là vấn đề đầu tiên trong "sổ tay điều hành" của lãnh đạo.

Thủ tướng cho rằng, tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa.

Để thực hiện những tâm huyết, trăn trở và khát vọng lớn lao của các DN muốn đóng góp cho sự phát triển hùng cường của Việt Nam, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tất cả ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi thể chế hay lưu ý những vấn đề trong điều hành.  

Thủ tướng nhấn mạnh: Để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công, trước hết là nỗ lực của chính các DN Việt Nam. Tất cả các DN đều có những lợi thế so sánh. Nếu nhận diện đúng và biết phát huy lợi thế đó, DN đã thành công một nửa. Trong bối cảnh hiện nay, muốn vươn ra biển lớn, bản thân các DN cũng cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ, thay vào đó cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, trong đó có sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, căng thẳng thương mại, nguy cơ xói mòn niềm tin vào hệ thống Thương mại tự do. Nhưng Thủ tướng khẳng định, với sự lạc quan của những người ủng hộ toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do, chúng ta vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa. Nhờ có niềm tin đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, ước đạt khoảng 7%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều tập đoàn quốc tế, các DN FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình; tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các DN Việt Nam.

Để thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ, Chính phủ quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô. Môi trường chính trị, xã hội và vĩ mô ổn định cùng với vị trí địa chính trị tối ưu sẽ là một lợi thế so sánh nổi trội của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy biến động và sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin.

Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương, cải cách DN Nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công…; nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn