MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh T.Vương

Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Vương Trần-Đặng Chung-Nguyễn Hà LDO | 21/10/2020 12:24
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đề xuất chưa tăng lương do nhiều nguyên nhân, trong đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân sách chưa đủ thu nên cần cân đối lại nguồn ngân sách.

Tại Kỳ họp 10, Quốc hội Khoá XIV, Chính phủ đề nghị chưa thực hiện chưa điều chỉnh mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng vào năm 2021.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 21.10, trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Mong muốn tăng lương là mong muốn không chỉ của Đảng, Nhà nước mà của rất đông đảo cán bộ, công chức, viên chức. Những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên chúng ta phải thấy được năng lực tài chính hiện nay của quốc gia rất hạn hẹp do những tác động liên tiếp từ ngoại cảnh như đại dịch COVID-19 với số lượng hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, không hoạt động. Những “cỗ máy” sản xuất ra tiền đóng góp cho ngân sách giảm sút. Do đó việc thu ngân sách giảm rất nhiều dẫn tới nguồn tiền để trang trải cho chi thường xuyên giảm rất nhiều. Trong đó có chi tiền lương.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh T.Vương

“Bây giờ đặt ra giải pháp nào?” - ông Vân đặt vấn đề và lý giải, nếu in thêm tiền thì đó là một dạng lạm phát. Khi đó đồng tiền không phản ánh đúng giá trị, không đúng thực chất. Do đó chúng ta phải chọn cách an toàn nhất. Đó là khi nguồn lực có hạn thì phải bảo toàn nguồn lực.

“Và như vậy chúng ta chia sẻ lẫn nhau, chia sẻ với nhà nước. Do vậy, Chính phủ trình như vậy để bảo toàn năng lực tài chính của quốc gia, nguồn lực của đất nước” - ông Vân nhấn mạnh.

Cùng trao đổi về việc này, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) - Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay: Chúng ta đề xuất chưa tăng lương do nhiều nguyên nhân. Trong đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân sách chưa đủ thu nên cần cân đối lại nguồn ngân sách.

Tăng lương trong lúc khó khăn này thì trượt giá nâng lên. Do vậy, việc tăng lương là chưa thực sự cần thiết vào lúc này. Vào thời điểm thích hợp khi chúng ta cân đối được ngân sách thì việc tăng lương có ý nghĩa hơn nhiều

“Tăng lương nhưng phải giữ giá. Tăng lương nhưng để cho trượt giá thì không giải quyết vấn đề đời sống” - ông Lợi nhấn mạnh.

Trước đó, vào chiều 20.10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu; đồng thời điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, đa số ý kiến của các uỷ viên Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn