MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay, người dân có thể thông qua ví điện tử MoMo ngồi tại nhà đóng lệ phí trước bạ ôtô, xe máy trực tuyến cho cơ quan thuế. Ảnh: Thy Nhật.

Chính phủ điện tử: Từ "thuế điện tử" đến trung tâm điều hành thông minh

Thế Lâm LDO | 11/02/2021 08:30

Kết quả triển khai Chính phủ điện tử trong năm 2020 được đánh giá là bằng nhiều năm trước cộng lại, thể hiện qua sự nâng cao về nhận thức của người dân, số lượng dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…

Hiện thực hóa từ “thuế điện tử”

Nói một cách đầy đủ đó là việc thu thuế qua kênh điện tử hay gọi là giao dịch thuế điện tử.

Thuế đã trở thành một trong những ngành chuyển biến mạnh mẽ trong việc số hóa, chính là thu thuế điện tử. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai ở khắp 63 tỉnh, thành và 100% chi cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế.

Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử với phương châm là một tiện ích giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, chờ đợi… Chính vì thế, 99,9% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ, với hơn 13,5 triệu hồ sơ khai thuế điện tử đã được tiếp nhận.

Song cụ thể và dễ cân đo đóng đếm hơn về mặt hiệu quả chính là số tiền “thuế điện tử” thu được. Theo ngành thuế, tại thời điểm ngày 15.12.2020, cả nước đã có hơn 3,2 triệu giao dịch nộp thuế qua phương thức điện tử với tổng số tiền gần 731.000 tỉ đồng và hơn 36,6 triệu USD.

Khung cảnh doanh nghiệp phải chầu chực hay chờ đợi tại cơ quan thuế để kê khai thuế và nộp thuế đã được đơn giản hóa, hay nói chính xác hơn nữa là được cải cách thủ tục thông qua các giao dịch điện tử, cũng chính là thành quả của việc triển khai Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử tại các bộ ngành. Trong đó, một trong những ngành rất quan trọng là quản lí thuế và thu thuế để bảo đảm cho ngân khố quốc gia.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế, hành chính quốc gia, “thuế điện tử” thậm chí còn phát huy tích cực vai trò “nhất cử lưỡng tiện”.

Nhân rộng các trung tâm điều hành thông minh

Trên thực tế, quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam hướng đến Chính phủ số hiện nay cũng song hành với chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ mặt về Chính phủ điện tử tại Việt Nam không chỉ nhìn nhận, đánh giá từ các bộ ngành hay những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vốn dĩ có nhiều nguồn lực triển khai hơn, mà ngay cả các tỉnh nhỏ hơn cũng đang tăng tốc.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Website IOC Thừa Thiên - Huế.

Tháng 7.2019, Thừa Thiên – Huế đã đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), chỉ sau TPHCM vài tháng. Đến cuối năm 2020, Quảng Trị đã đưa vào hoạt động hệ thống Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đông Hà.

Trước đó, chương trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử tại Quảng Trị đã ứng dụng thành công phòng họp không giấy tờ eCabinet; kết nối hệ thống Mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu) với hơn 70.000 sổ liên lạc điện tử; giải pháp quản lí tổng thể bệnh viện và tối ưu hóa qui trình khám chữa bệnh đến hơn 85% cơ sở y tế trên địa bàn; ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại hơn 80 đơn vị doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm nông nghiệp ra thị trường…

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu từ những nơi khó khăn và khó khăn kéo dài nhằm mang đến cách tiếp cận mới cho vấn đề cũ.

Việc thúc đẩy chuyển đổi số tại một địa phương có thế mạnh về du lịch và nông nghiệp như Sóc Trăng hoàn toàn có thể được phát huy trên nền tảng Chính phủ điện tử đã được triển khai và đạt được những thành quả nhất định trong thời gian qua.

Cụ thể, 100% thủ tục hành chính (TTHC) đã được cung cấp lên cổng dịch vụ công của tỉnh Sóc Trăng, với 536 TTHC mức độ 3, 684 TTHC mức độ 4; hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn