MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính phủ điện tử cung cấp hàng ngàn dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Thế Lâm.

Chính phủ điện tử và những “quả ngọt” đã đơm kết

Thế Lâm LDO | 30/12/2020 16:14

Các hoạt động, sự kiện về chuyển đổi số diễn ra sôi nổi trong năm 2020, đồng thời cũng ghi nhận những “quả ngọt” đơm kết rõ nét hơn bao giờ hết trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Tăng mạnh chuyển đổi số

Một kết quả được định lượng rất rõ cho thấy sự tác động đến nhận thức người dân nói chung về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Theo đó, từ khóa có cụm từ “chuyển đổi số” đã được tìm kiếm tăng mạnh trên không gian mạng từ mức 3.000 lượt vào tháng 3.2020 lên mức 30.000 lượt vào cuối tháng 11 vừa qua, tăng gấp 10 lần.

Năm 2020 được cho là có những yếu tố thúc đẩy các hành vi trực tuyến nhiều hơn vì COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội dẫn đến làm việc tại nhà nhiều hơn. Theo nhận định của các chuyên gia, phương thức làm việc từ xa, làm việc tại nhà từ chỗ đối với nhiều tổ chức, đơn vị là giải pháp tình thế dần dần đã định hình thành thường xuyên, chiếm một tỉ trọng nhất định trong thời gian biểu làm việc, từ đó cũng kéo theo các hệ thống đối tác, dịch vụ, và cả hệ thống dịch vụ công cũng được thúc đẩy theo.

Số liệu từ Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kết quả triển khai Chính phủ điện tử năm 2020 đạt được bằng nhiều năm trước cộng lại. Cụ thể, số lượng dịch vụ công trực tuyến năm 2018 chỉ đạt 4,5%, đến năm 2019 tăng lên 10,7%, năm 2020 đã tăng tới 30%.

Riêng Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương vào tháng 12.2019 với 8 dịch vụ ban đầu. Đến ngày 30.12.2020, con số này đã tăng phi mã lên 2.700 với dịch vụ công thứ 2.700 là “Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng kí, biển số xe nhập khẩu”.

4 trụ cột của hệ thống Chính phủ điện tử

Việc triển khai Chính phủ điện tử trong những năm qua cũng đồng thời là quá trình thúc đẩy triển khai 4 trụ cột hệ thống trực tuyến, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào chiều ngày 28.12 vừa qua cho biết, 4 trụ cột hệ thống trực tuyến của Chính phủ điện tử đã giúp tiết kiệm đến 8.500 tỉ đồng mỗi năm.

Cùng với đó, các hệ thống trực tuyến thuộc nền tảng của Chính phủ điện tử đã được đưa vào vận hành trong thời gian qua cũng đã giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước, trong cách cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Một trong những minh chứng rõ nét bằng con số tại Hội nghị sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia là, số lượng dịch vụ công được cung cấp qua cổng đã cán ngưỡng 2.700, gấp 337,5 lần so với 1 năm trước (thời điểm khai trương tháng 12.2019 chỉ có 8 dịch vụ).

Trên thực tế, những “quả ngọt” từ quá trình triển khai Chính phủ điện tử còn mang ý nghĩa lớn hơn những con số, đó là khẳng định một phương châm xây dựng mô hình Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân tại Việt Nam hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn