MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ lắng nghe hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ điểm nghẽn

Vương Trần LDO | 11/08/2022 09:23

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách.

Càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết

Sáng nay (11.8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước.

Cùng dự và điều hành Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, vào thời điểm này năm ngoái (8.8.2021), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, cũng tại hội trường này, Chính phủ đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Nhiều thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, nhiều ý tưởng, giải pháp đã được bàn thảo, hiến kế cho Chính phủ nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Ở thời điểm đó, tâm trạng chúng ta rất lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đến nay, sau thời gian chống dịch và 7 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh chúng ta đã làm được. Về kinh tế, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, GDP tăng 7,72% trong quý II năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn (thu-chi, xuất nhập khẩu, lương thực-thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhìn chung được nâng lên. Chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy và mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập phù hợp tình hình, các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế được bạn bè quốc tế đồng tình, ủng hộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian qua.

Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các doanh nghiệp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 về vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…. Các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức, với tình cảm, tinh thần nhân văn cao cả theo truyền thống, đạo lý "lá lành đùm lá rách", càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta.

Hiến kế tháo gỡ những điểm nghẽn

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trong thời gian qua, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia. Với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Mặc dù có những thuận lợi, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước, song vẫn có những khó khăn nội tại, những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải xử lý.

Trong bối cảnh đó, chúng ta vừa phải triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, vừa giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa đối phó, thích ứng với các diễn biến mới.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả. Chúng ta cũng đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó, có yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách. Đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn