MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua nhiều bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh minh họa: Văn Sỹ

Chính phủ nhận định tình trạng thiếu thuốc chưa được khắc phục triệt để

PHẠM ĐÔNG LDO | 11/01/2024 17:40

Chính phủ nhìn nhận tình trạng sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Đáng chú ý, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế dù đã cải thiện nhưng chưa được khắc phục triệt để.

Ngày 11.1, Văn phòng Chính phủ thông tin, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2023.

Nghị quyết nêu rõ, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Trong đó có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về phát triển xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý IV/2023 ước tăng 6,72% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%), cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Thu ngân sách nhà nước vượt 8,12% dự toán trong điều kiện thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỉ đồng; thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2024 và các năm tiếp theo...

Bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao. Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, còn tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản gia tăng. Khả năng hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế gặp khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng. Các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro.

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án tồn đọng còn lại gặp khó khăn; cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đời sống và sinh kế của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế dù đã cải thiện nhưng chưa được khắc phục triệt để....

Tại nghị quyết, Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến tình hình, nâng cao năng lực phân tích dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Tập trung chỉ đạo, động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém; phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2024, tạo nền tảng hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23.11.2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn