MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng SCB từng làm dậy sóng thị trường với việc liên tiếp đẩy lãi suất huy động lên cao. Ảnh: Lam Duy

Chính phủ yêu cầu báo cáo phương án xử lý ngân hàng SCB trong tháng 9

PHẠM ĐÔNG LDO | 13/09/2023 18:53

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9.2023 phương án xử lý Ngân hàng TMCP Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa.

Tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2023, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Trong đó, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau.

Rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9.2023.

Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9.2023 phương án xử lý Ngân hàng TMCP Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10.2022, NHNN sau đó phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023, NHNN cho biết, đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, đến nay, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Trong 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và DongA Bank.

Riêng với SCB, NHNN cho hay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn