MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Chính sách đặc thù ở TPHCM phải rõ thời gian, có quản lý và kiểm soát

TIẾN NGUYỄN LDO | 12/05/2023 18:26

Về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đã thí điểm sẽ khác với luật định ở chỗ phải có không gian, thời gian, địa điểm cụ thể, thử nghiệm phải có kiểm soát và có quản lý. 

Chiều 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã 2 lần họp với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh và cho ý kiến kỹ lưỡng về nội dung này. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đã thí điểm sẽ khác với luật định ở chỗ phải có không gian, thời gian, địa điểm cụ thể, thử nghiệm phải có kiểm soát và có quản lý. Do đó đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu với tinh thần trên để hoàn thiện. 

Các đơn vị đã tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu thực tiễn để có đề xuất các chính sách để thí điểm dày dặn, khá toàn diện, kì vọng sẽ tạo được những cú hích về những đột phá phát triển cho thành phố. 

Đối với những chính sách mới, chưa có trong Nghị quyết số 54/2017/QH14, Quốc hội đã cho phép áp dụng ở một số địa phương cơ bản nhận được sự thống nhất cao.

Ngoài ra còn khoảng 6 chính sách dự kiến sẽ quy định trong các luật sửa đổi tới đây thì đề xuất cho Thành phố áp dụng trước.

Quá trình thành phố tổ chức thực hiện cũng là cơ sở thực tiễn để khi Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành có mô hình, có mẫu để đánh giá, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó đề nghị tiếp tục rà soát, biên tập để bảo đảm tính tương thích.

Về triển khai BOT trên đường hiện hữu, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với dự thảo, đồng thời đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra nghiên cứu có thêm quy định có tính chất như “van khóa”, quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện để hài hòa lợi ích của Nhà nước về người dân và chủ đầu tư. Đề nghị thành phố nên tính toán kỹ phương án tài chính và các cơ chế chính sách kèm theo.

Về hợp đồng BT, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung trình, đồng thời đề nghị có tính toán thêm về cách thức hợp đồng BT, có thể vừa trả bằng đất ở, có thể vừa trả bằng tiền, hoặc khi thanh toán chênh lệch có thể bằng tiền hoặc có thể bằng đất hoặc cả hai để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay có các ý kiến đề xuất mạnh dạn nghiên cứu để chuyển Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) thành một Quỹ đầu tư của chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan nghiên cứu tính toán thêm đề xuất này.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Về thu nhập tăng thêm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tham khảo cách thể hiện như của Nghị quyết 76/2022/QH15, trong đó, về việc chi thu nhập tăng thêm thì thực hiện như Nghị quyết 54 nhưng cần tính toán cân đối để không vượt tổng mức 0,8 quỹ lương cơ bản như Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.

Hàm ý là có thể trả 1,8 lần, thậm chí là có thể trả cho đối tượng nào đó 2 lần nhưng tổng không vượt quá tổng mức là 0,8 quỹ lương cơ bản. 

Phát biểu ý kiến, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị làm rõ thẩm quyền trong HĐND TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức rất lớn nhưng chưa tương thích với tổ chức bộ máy. Đồng thời làm rõ cơ chế vận cả HĐND TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức trong dự thảo Nghị quyết.

Bà Thanh cũng đề nghị làm rõ các loại hình hợp đầu đầu tư xây dựng của thành phố; có báo cáo đánh giá tác động trong việc thành lập các đơn vị sự nghiệp mới như Sở An toàn thực phẩm, Ban Đô thị trong đó lưu ý vấn đề phân cấp, phân quyền, cơ chế vận hành…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, nếu dự thảo nghị quyết được thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng được việc triển khai Nghị quyết này trong thực tế. Thành phố sẽ phải có kế hoạch giám sát, kế hoạch củng cố bộ máy nhân lực… để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện.

Ông Phan Văn Mãi mong muốn dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn