MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý, chưa bảo đảm minh bạch

PHẠM ĐÔNG LDO | 12/10/2023 10:17

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm tính minh bạch. Khả năng thiếu điện là nguy cơ hiện hữu.

Khả năng thiếu điện cả ngắn hạn và dài hạn là nguy cơ hiện hữu

Sáng 12.10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán, cân nhắc tương đối đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô.

Các doanh nghiệp năng lượng Nhà nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, phát huy vai trò trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát cũng chỉ rõ, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm tính minh bạch. Các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Việc điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần.

Ngoài ra, giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện. Còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh.

Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn bất cập như việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ; việc xây dựng khung giá phát điện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.

Về nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025, Đoàn Giám sát chỉ rõ việc điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện.

Việc này sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH

Sớm phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc

Theo Đoàn Giám sát, cần có cơ chế tách bạch chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích, chi phí xã hội và chi phí quản trị doanh nghiệp hiệu quả đối với giá bán điện.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giá truyền tải điện đảm bảo thu hút đầu tư vào lưới điện truyền tải và theo từng khu vực địa lý; tính toán, xác định khung giá điện khí để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án điện.

Hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu).

Ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, trước hết thúc đẩy cạnh tranh trong khâu nguồn điện (bao gồm thúc đẩy cạnh tranh trong đầu tư nguồn điện mới và cạnh tranh trong vận hành các nguồn điện đã có), xử lý các vướng mắc hiện nay.

Thể chế hóa cơ chế phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo thông qua khung giá phát điện trừ nguồn điện tự sản, tự tiêu tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đáp ứng mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo tiêu chí giá điện thấp nhất; ban hành khung giá điện nhập khẩu từ nước láng giềng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn