MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đặng Trần Phong - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc nêu những bất cập từ Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất. Ảnh: Hà Tĩnh.

Chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất ở Hà Tĩnh còn bất cập

TRẦN TUẤN LDO | 07/12/2023 11:51

Sáng 7.12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 18 tiến hành kỳ họp thứ 17 với nội dung chất vấn, trả lời chất vấn ở lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên môi trường. Qua chất vấn, trả lời chất vấn cho thấy chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất của địa phương này còn bất cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đặt câu hỏi về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tích tụ, tập trung ruộng đất, đưa cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn?

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh - cho hay, thời gian qua, Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh năm 2022 về thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu khá tốt.

Toàn tỉnh hiện đã chuyển đổi ruộng đất được gần 10.000 ha. Trong đó có khoảng 200 ha tích tụ tập trung và 200 ha liên kết tích tụ. Kết quả đó bước đầu đã hình thành các cánh đồng lớn, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh trả lời chất vấn. Ảnh: Hà Tĩnh

Tuy nhiên, muốn nâng cao giá trị thương hiệu hơn nữa, bền vững hơn nữa thì thời gian tới, Sở NNPTNT Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, địa phương xử lý vướng mắc về thủ tục đất đai, hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất để họ thuận lợi hơn, yên tâm hơn trong tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên phần ruộng đất của mình.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn (Tổ đại biểu Vũ Quang) cho rằng, hiện nay chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ha từ Nghị quyết 51 khi tích tụ ruộng đất đang vướng mắc, chậm giải ngân. Nguyên nhân đang vướng mắc giữa Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính.

Đại biểu này còn thông tin thêm, với các địa phương ở miền núi, chi phí cho tích tụ ruộng đất mỗi ha tiêu tốn khoảng 30 triệu đồng, trong khi chính sách chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha là thấp, chưa đáp ứng được.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn chất vấn đã chỉ ra những bất cập của Nghị quyết 51. Ảnh: Hà Tĩnh.

“Theo tôi, nên nâng mức hỗ trợ lên ở vùng trung du và miền núi. Đồng thời cũng cần tính toán phân cấp nhiệm vụ nghiệm thu hoàn thành công tác tích tụ ruộng đất cho cấp huyện thì giải quyết thủ tục chi trả hỗ trợ sẽ nhanh hơn” - ông Tuấn nói.

Ông Đặng Trần Phong - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho rằng, chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất khi triển khai thực hiện đang vướng mắc. Hiện nay, tại huyện Can Lộc đã thực hiện chuyển đổi được 5.000 ha trong tổng số 10.000 ha đã chuyển đổi của toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa có địa phương nào được nhận hỗ trợ một đồng nào về chuyển đổi, tích tụ ruộng đất.

“Chính sách hỗ trợ là rất tốt nhưng chậm giải ngân nên người dân chưa được thụ hưởng.” - ông Phong nói.

Đại biểu dự họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh sáng 7.12. Ảnh: Hà Tĩnh

Mổ xẻ nguyên nhân chậm giải ngân, ông Phong cho rằng do Nghị quyết 51 quy định phải hoàn thành chuyển đổi thì mới được hỗ trợ. Tuy nhiên, hoàn thành ở đây đang tạo ra 3 cách hiểu.

Cách thứ nhất được hiểu hoàn thành là đã phá bờ vùng bờ thửa, cất bốc mồ mả trên đồng ruộng và đã chia lại ruộng cho dân xong. Thứ hai được hiểu là đến khi vẽ xong bản đồ địa chính. Thứ ba là sau khi đã chia lại ruộng, cấp lại chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho dân.

“Tôi đề nghị đơn giản hóa thủ tục là ngay sau khi phá bờ vùng bờ thửa, cất bốc mồ mả, chia lại ruộng cho dân xong là nghiệm thu, hỗ trợ được rồi” - ông Phong nói.

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cũng chia sẻ thêm, theo chính sách của Nghị quyết 51 thì mỗi năm chỉ hỗ trợ tích tụ ruộng đất cho mỗi xã không quá 300 triệu đồng là đang khống chế kết quả chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Bởi có nhiều xã đăng ký diện tích chuyển đổi lớn hơn rất nhiều nên cần nguồn hỗ trợ lớn hơn mức khống chế nói trên.

Từ những phân tích trên, ông Phong đề nghị điều chỉnh lại nội dung Nghị quyết 51 để triển khai thực hiện sát với thực tiễn, đạt hiệu quả tốt hơn.

Trả lời chất vấn, giải đáp thêm các kiến nghị của đại biểu hội đồng, ông Lê Ngọc Huấn - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng đúng là Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất đang có những vướng mắc, bất cập, trong đó giá hỗ trợ ở vùng miền núi còn thấp, rồi việc khống chế ở mức 300 triệu đồng/xã/năm cũng thấp.

Ông Lê Ngọc Huấn - Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh trả lời chất vấn. Ảnh: Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, ông Huấn lý giải thêm rằng, có thể vì Nghị quyết căn cứ vào ngân sách địa phương còn khó khăn và theo lộ trình thực hiện đến năm 2025 nên triển khai mức hỗ trợ còn thấp.

Ông Huấn cũng cho rằng, Nghị quyết 51 có bất cập là trách nhiệm của đơn vị tham mưu và cả trách nhiệm của đại biểu hội đồng khi biểu quyết thông qua. Tới đây, nếu ngân sách tỉnh đảm bảo được và được sự đồng ý của UBND tỉnh thì Sở TNMT sẽ phối hợp để tham mưu điều chỉnh lại Nghị quyết 51 cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn