MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Chính sách tiền lương khu vực công còn hạn chế, chất lượng công tác chưa cao

Vương Trần LDO | 21/08/2023 16:59

Cử tri cho rằng, chính sách tiền lương trong khu vực công còn nhiều hạn chế, bất cập, thiết kế bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chưa phù hợp với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, chưa phát huy được quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan làm giảm năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức.

Chính sách tiền lương khu vực công còn nhiều hạn chế

Bội Nội vụ vừa có trả lời kiến nghị cử tri liên quan tới nội dung chính sách tiền lương ở khu vực công, trong đó có các nội dung liên quan tới cải cách tiền lương thời gian tới.

Cụ thể, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri với nội dung: Hiện nay, chính sách tiền lương trong khu vực công còn nhiều hạn chế, bất cập, thiết kế bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chưa phù hợp với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, chưa phát huy được quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan làm giảm năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức.

Theo đó, cử tri đề nghị nghiên cứu, học tập các nước phát triển để cải thiện nền hành chính và tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của nước ta.

Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết, chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ tháng 10.2004 đến nay đã phát sinh nhiều bất hợp lý như ý kiến cử tri nêu.

Để khắc phục những bất hợp lý này, trên cơ sở có nghiên cứu về chế độ tiền lương của một số nước, Bộ Nội vụ đã trình cấp có thẩm quyền để trình Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII của Đảng ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp.

Theo Bộ Nội vụ, trong thời gian chưa thực hiện tổng thể cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, để giảm bớt khó khăn trong đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14.5.2023 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1.7.2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo

Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng cho biết, cơ quan này đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có nội dung xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, quy định các chế độ phụ cấp và chế độ tiền thưởng để thay thế chế độ tiền lương hiện hành) phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Ái Vân

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, nội dung cải cách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) đó là:

Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Cùng với đó, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Theo ông Dĩnh, đây là những nội dung cải cách có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng chế độ tiền lương mới, bảo đảm mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn