MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Phạm Đông

Chính sách tiền lương ổn định thì những quy định về bảo hiểm xã hội mới khả thi

PHẠM ĐÔNG LDO | 27/03/2024 18:15

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy cho rằng, khi chính sách tiền lương đi vào ổn định thì cơ sở quy định các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bảo đảm phù hợp, khả thi, tránh vừa thông qua luật đã rà soát, sửa đổi ngay.

Chiều 27.3, tại Nhà Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho biết, biện pháp xử lý vi phạm việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định tại điều 39 và 40 dự thảo luật lần này đã được Ban soạn thảo tiếp thu và bỏ đi nội dung ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH. Việc sửa đổi như vậy là phù hợp, đáp ứng nhu cầu của đòi hỏi thực tiễn đặt ra.

Tuy nhiên, để tăng thêm chế tài đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH và nâng cao trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động, đại biểu đề xuất bổ sung thêm chế tài không được đấu thầu, không được mua sắm vật tư hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước; đồng thời không được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo, học nghề cho người lao động.

Theo đại biểu, điều này nhằm tăng tính răn đe với những trường hợp cố tình trốn tránh, nợ, chậm, trốn đóng BHXH.

Về BHXH một lần, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định sau 12 tháng mà có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm xuống còn chưa đủ 15 năm như sau: Không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện mà có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Theo đại biểu, việc đưa ra thời hạn 12 tháng như dự thảo luật gây khó khăn cho nhu cầu chính đáng của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên). Ảnh: Phạm Đông

Còn đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng, nhóm lao động công nghệ như tài xế công nghệ, shipper, bán hàng online cần được đưa vào các trường hợp đóng BHXH bắt buộc bởi theo đại biểu, nhóm lao động này hiện nay có đến vài trăm nghìn người, công việc ổn định, thu nhập thậm chí cao hơn nhóm lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp.

Đại biểu Đoàn Tuyên Quang và đại biểu Nguyễn Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cùng đề nghị cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật BHXH (sửa đổi) trước khi (kỳ họp thứ 7 tháng 5.2024) hay sau khi (kỳ họp thứ 8 tháng 10.2024) thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024.

Các đại biểu cho rằng, cải cách tiền lương là chính sách tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, nhiều lao động toàn xã hội, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý những vấn đề phát sinh nếu có, phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Ma Thị Thúy, khi chính sách tiền lương đi vào ổn định thì cơ sở quy định các chính sách về BHXH sẽ bảo đảm phù hợp, khả thi, tránh vừa thông qua luật đã rà soát, sửa đổi ngay.

Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) đề nghị khi xem xét các trường hợp rút BHXH một lần cần có quy trình đánh giá thêm việc phương án này đã đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa; làm sao để người lao động cần phải cân nhắc giữa lợi ích và thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần; trường hợp bất khả kháng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động.

Đại biểu nhấn mạnh cần có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người lao động từ trước chứ không chờ đến lúc người lao động thất nghiệp, phải rút BHXH một lần mới hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn