MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: P.Đ

Chọn người có kinh nghiệm, tín nhiệm tham gia tổ chức phụ trách bầu cử

Phạm Đông LDO | 25/02/2021 11:04

Theo ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cần lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên

Sáng 25.2, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), mới đây Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01 về việc Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cụ thể, ngày 23.5.2021 là ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việc thành lập, cơ cấu, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện theo quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và Điều 28 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử. Lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử.

Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, Ủy ban nhân dân sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình trước ngày bầu cử.

Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử.

Toàn cảnh Hội nghị.

Trước ngày bầu cử, tổ trưởng Tổ bầu cử chủ trì cuộc họp phân công cụ thể cho từng thành viên thực hiện các công việc trong ngày bầu cử. Tổ bầu cử thực hiện việc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các loại phương tiện vật chất - kỹ thuật phục vụ ngày bầu cử.

Đối với công tác quản lý phiếu bầu, ông Hùng cho biết, tổ trưởng Tổ bầu cử phân công thành viên quản lý chặt chẽ số phiếu bầu. Trường hợp phát hiện phiếu bầu bị mất thì Tổ bầu cử phải báo cáo ngay Ban bầu cử để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tổ chức bầu cử an toàn nếu dịch bệnh bùng phát

Các điểm chú ý quan trọng, ông Phan Văn Hùng cho hay, việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 1 đại biểu; loại phiếu bầu 2 đại biểu; loại phiếu bầu 3 đại biểu,... Sẽ có ít nhất 3 người kiểm phiếu.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử cần phải được chuẩn bị chủ động. Trường hợp dịch COVID-19 bùng phát thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Trên tinh thần là địa phương chủ động xây dựng các phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đồng thời, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 15 và số 16).

Trường hợp mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Trong trường hợp các tình huống phát sinh trên đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phường giải quyết nhưng không thể xử lý được, do vượt quá thẩm quyền thì Ủy ban bầu cử cấp tỉnh báo cáo Hội động bầu cử quốc gia xem xét, quyết định phương án tổ chức bầu cử tại các khu vực này.

Tổ chức thành công các cuộc bầu cử gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị các đơn vị tập trung triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021.

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày bầu cử đã đến gần, trong tình hình các Bộ, ngành đang tập trung triển khai những kế hoạch năm 2021; các địa phương đang tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Hội nghị đã hoàn thành chương trình đề ra, các đơn vị đã trình bày hướng dẫn của Ban Tổ chức, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội... về công tác bầu cử. Những kiến nghị, ý kiến của các đơn vị, các địa phương đã được các bộ, ngành giải đáp tại Hội nghị. Với những vấn đề còn vướng mắc khác sẽ được tiếp thu, báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Ông Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày 21.1, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Để cuộc bầu cử tới đây đạt kết quả tốt, Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan Trung ương khẩn trương có văn bản trả lời những đề xuất, vướng mắc của các địa phương trong thời gian 5 ngày làm việc. Có hướng dẫn chi tiết về công tác triển khai việc thực hiện trong thời gian trước, trong và sau bầu cử.

Sau Hội nghị, các địa phương cần tiếp tục gửi về Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị bầu cử. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tổ chức tập trung để tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đến cấp huyện, cấp xã, nhất là các thành viên của Tổ bầu cử. Tổ chức hội nghị quán triêt và phổ biến các văn bản chỉ đạo thực hiện đến các tổ chức, phục vụ cho công tác bầu cử. Nếu cần thiết có thể thí điểm bổ sung các hướng dẫn cho phù hợp.

Bộ Nội vụ đã mở chuyên trang về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên Cổng thông tin của Bộ.

Đề nghị các cấp uỷ, tổ chức chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cấp xã... tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức đúng mốc thời gian theo kế hoạch, lịch trình theo quy định. Trong quá trình thực hiện, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về Văn phòng bầu cử quốc gia để được xem xét giải quyết.

Ông Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu vừa tập trung triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo thành công cuộc bầu cử, nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021.

"Các Bộ, ngành cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cố gắng trong thời gian tới tập trung chỉ đạo cho công tác bầu cử đảm bảo an toàn, thành công, thực hành dân chủ, bình đẳng, tiết kiệm", ông Tân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn