MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp và người lao động vùng dịch như Quảng Nam - Đà Nẵng đang dần có phương án sống chung với dịch bệnh, trong đó nền kinh tế cũng cần phải thích ứng để không đứt gãy. Ảnh: Thanh Chung

Chống dịch COVID-19 trong tình hình mới: Không chủ quan, nhưng cũng không thể tiếp tục đóng cửa sản xuất

Thùy Linh - Lệ Hà LDO | 29/08/2020 08:44

Tại Cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về tình hình phòng chống dịch COVID-19 chiều tối 27.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế gấp rút tham mưu đưa ra chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 19 nhằm kịp thời điều chỉnh hoạt động phòng chống dịch thích ứng với tình hình hiện nay.

Đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: Chống dịch và phát triển kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Bộ Y tế phải gấp rút tham mưu trình Thủ tướng một chỉ thị chống dịch mới, đảm bảo được tinh thần thực hiện mục tiêu kép: Không thể chủ quan nhưng cũng không thể không làm ăn, không thể tiếp tục đóng cửa sản xuất - như vậy sẽ gây khó cho nhiều ngành, nhiều nơi.

Bộ Y tế cũng được giao khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế. 

Nói không để tình trạng “quá lo về dịch bệnh rồi đóng cửa”, gây khó khăn cho kinh tế cũng như đời sống dân nghèo, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố ban hành và hoàn thiện chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch; đồng thời có phương án cụ thể để phát triển sản xuất kinh doanh. Trường hợp đặc biệt phát hiện ổ dịch mới sẽ giãn cách xã hội trong phạm vi cần thiết. 

Tình hình dịch COVID-19 diễn ra tại Đà Nẵng, Quảng Nam đã khiến đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Theo ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, sau một tháng giãn cách xã hội, nhiều người dân, đặc biệt hộ nghèo và người lao động phổ thông, sinh viên gặp khó khăn. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Đến nay, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 tại một số ổ dịch Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thời gian tới, Việt Nam tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng vì mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng, có thể bùng phát thành đợt mới nếu lơ là, mất cảnh giác. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh ở nước ta từ bên ngoài vào và bên trong, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt, trường kỳ. 

“Nếu không quyết liệt, tốc độ lây lan của dịch COVID-19 sẽ nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Do đó, chúng ta phải khoanh vùng nhanh gọn, truy vết thật nhanh và cách ly triệt để nhằm đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất. Chúng ta kiên định việc cách ly F1 tập trung để tránh lây lan dịch bệnh, do đó các địa phương cũng cần quán triệt thực hiện việc này” - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Là một người vừa trở về từ vùng tâm dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, trao đổi với Báo Lao Động Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vẫn đang trong thời gian cách ly cho biết: Đối với Đà Nẵng đã thực hiện cách ly tuyệt đối theo Chỉ thị 19.  Nếu Đà Nẵng phát hiện sớm, khoanh các vùng nhỏ theo đúng quy định giãn cách nêu trong Chỉ thị 16 là tốt nhất. Tuy nhiên, trong điều kiện của Đà Nẵng lúc đó là muộn nên cách ly toàn thành phố theo Chỉ thị 19 trong một giai đoạn là cần thiết. 

Đối với Quảng Nam không cách ly toàn tỉnh mà cách ly theo Chỉ thị 16, các đơn vị hành chính, các huyện và TP.Hội An. Việc cách ly với Quảng Nam vẫn đạt được hiệu quả nhất định. 

Do đó, việc cách ly tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, tình hình lan rộng của dịch, tìm kiếm, phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly sớm thì sẽ cách ly ở khu dân cư nhỏ hơn. Như vậy cũng hoàn toàn phù hợp. Chỉ thị 16 áp dụng tại Đà Nẵng trong giai đoạn đầu là phù hợp bởi dịch lan nhanh quá.

Sớm ban hành Chỉ thị mới từ Chính phủ 

Việc ban hành các Chỉ thị 15, 16, 19 đã phù hợp với từng giai đoạn, từng diễn biến của dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam, rất kịp thời và đi đúng hướng. Vì vậy, người dân hết sức mong chờ vào Chỉ thị mới của Chính phủ trong tình hình dịch bệnh hiện nay, để có thể yên tâm sinh sống, làm việc và phát triển kinh tế. Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã lên kế hoạch soạn thảo trong thời gian sớm nhất theo tinh thần chỉ đạo. 

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, để phù hợp với tình hình mới của dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng xong dự thảo Chỉ thị mới  trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và trình Văn phòng Chính phủ. Hiện Văn phòng Chính phủ thẩm định, đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. 

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, ở trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, ở trong nước hiện hữu nguy cơ xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Chính vì thế, quan điểm của Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị các cấp các ngành, toàn thể nhân dân không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch. 

Để làm tốt công tác phòng chống dịch, trước hết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chấp hành nghiêm hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế, của Ban Chỉ đạo. Cụ thể là phải đeo khẩu trang khi ra đường, khi tham gia phương tiện giao thông công cộng, những nơi tập trung đông người. Thực hiện việc rửa tay, sát khuẩn tay thường xuyên. Hạn chế đến nơi đông người.

Thứ 2, tất cả những trường hợp có tiếp xúc gần với F0, tất cả những trường hợp nghi ngờ như có biểu hiện sốt, ho, khó thở, những đối tượng có liên quan đến vị trí việc làm có nguy cơ cao như ở phòng khám, khoa hô hấp, khoa cấp cứu, các khoa điều trị bệnh nhân nặng đều phải được xét nghiệm sàng lọc để phát hiện COVID-19.

Thứ 3, đối với những trường hợp ở nước ngoài về phải cách ly ngay, thực hiện cách ly 14 ngày và phải được xét nghiệm ít nhất 2 lần trước khi hết thời hạn cách ly. Thứ 4 là khi xuất hiện các ca bệnh ở cộng đồng, chính quyền và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các địa phương phải tiến hành khoanh vùng theo diện hẹp. Đơn cử như khoanh vùng 1 khu phố, 1 thôn - xóm có bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời, tiến hành truy vết thật nhanh các đối tượng tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm ngay để phát hiện kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. 

Cuối cùng, phải có sự phối hợp đồng bộ trong sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.

Hiện một số địa phương có tình trạng “quá tay” khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, khi cấm cả các dịch vụ thiết yếu như cửa hàng ăn uống, hoặc có hiện tượng không tạo điều kiện cho chuyên gia trở lại làm việc ở các ngành trọng điểm… Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia là các địa phương chỉ khoanh vùng cách ly theo diện hẹp, ở khu phố nào cách ly theo khu phố đó, ở thôn xóm nào cách ly thôn xóm đó, không “ngăn sông cấm chợ”, không cấm các dịch vụ thiết yếu. Đối với các chuyên gia từ nước ngoài về vẫn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đón nhận các chuyên gia nhưng vẫn đảm bảo cách ly, xét nghiệm theo đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn