MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá trình thi công xây dựng hồ điều tiết tại đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: CTV

Chống ngập bằng hồ điều tiết có giúp TPHCM hết ngập?

MINH QUÂN LDO | 14/08/2017 11:00
Hồ điều tiết thông minh chống ngập nước đầu tiên tại TPHCM được xây dựng tại đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức) vừa hoàn thành sau hơn một tuần thi công. Tuy nhiên, chỉ với sức chứa 109m3 nước, nhiều ý kiến cho rằng, hồ quá nhỏ, chỉ có thể chống ngập cho một khu dân cư, nếu mưa lớn sẽ không đảm bảo.

Vì vậy, đây là giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải pháp chính để hết ngập. Bên cạnh việc làm hồ điều tiết cần song song các giải pháp tổng thể như đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều,…

Nhiều ưu điểm

Ngày 1.8 vừa qua, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và đối tác Việt Nam là VMC Group đã triển khai thi công lắp đặt hồ điều tiết thông minh chống ngập nước trên đường Võ Văn Ngân, trước cổng nhà Văn hóa thiếu nhi, quận Thủ Đức.

Hồ điều tiết này được xây dựng ngầm trong lòng đất có sức chứa 109m3 nước mưa. Ngày 10.8, hồ điều tiết đã hoàn thành và sau đó đơn vị thi công đã tái lập mặt đường trả lại không gian bên trên trước sân nhà văn hóa Thiếu nhi quận Thủ Đức.

Đơn vị thi công hồ điều tiết tái lập mặt đường trả lại không gian bên trên trước sân nhà văn hóa Thiếu nhi quận Thủ Đức. Ảnh: M.Q

Ông Trần Văn Chín - Chủ tịch HĐQT VMC Group (đơn vị đầu tư hồ điều tiết) - cho biết, cấu trúc hồ là các môđun cross-wave (tương tự mô hình lắp ghép lego, tổ ong) bằng nhựa polypropylene được lắp ghép chồng lên nhau. Các môđun cross-wave khi được xếp chồng lên có khả năng chịu lực lên đến 25 tấn và chỉ chiếm 5% diện tích tổng thể hồ điều tiết.

Hồ điều tiết này được thiết kế theo cơ chế tự thấm vào lòng đất vì địa chất ở đây có khả năng tự thấm cao. Quy trình hoạt động của hồ điều tiết sẽ nhận nước từ đường cống dẫn nước mưa và khi lượng nước đầy thì tự thoát nước dư ra ngoài theo đường ống khác. Sau đó, nước mưa sẽ được bơm lên, lọc lại vào một bể khác dùng để tưới cây, chữa cháy.

Cấu trúc hồ điều tiết là những môđun cross-wave bằng nhựa polypropylene được lắp ghép chồng lên nhau. Ảnh: CTV

Trong trường hợp muốn di dời hồ điều tiết, thì công việc cũng rất dễ và không tốn nhiều tiền, công sức, có thể tái sử dụng cho những lần khác. Diện tích bề mặt được trả lại như hiện trạng ban đầu và không ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

“Do có kết cấu theo dạng môđun lắp ghép nên hồ điều tiết ngầm chống ngập có thể thi công ở nhiều vị trí khác nhau như công viên, trường học, bãi đậu xe, sân bay, bệnh viện, khu công nghiệp…” – ông Chín nói về ưu điểm của hồ điều tiết.

Giải pháp hỗ trợ chứ không giải quyết hết ngập

Nhiều ý kiến cho rằng, hồ điều tiết trên đường Võ Văn Ngân quá nhỏ, chỉ với sức chứa 109m3 nước, nên chỉ có thể chống ngập cho một khu dân cư, nếu mưa lớn sẽ không đảm bảo.

Theo PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu - ĐHQG TPHCM, hồ điều tiết là một trong những giải pháp nhằm chứa nước mưa, đã được ứng dụng tại nhiều nước. Khi mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước thì có thể áp dụng thêm giải pháp làm hồ điều tiết.

Một cơn mưa lớn khiến nước chảy xiết trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức). Ảnh: M.Q

Tuy nhiên, PGS-TS Hồ Long Phi cho rằng, hệ thống thoát nước mới là giải pháp chính để chống ngập do mưa. Vì vậy, để giải quyết ngập triệt để cho TP, song song với việc làm hồ điều tiết, cần giải pháp tổng thể bao gồm việc đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều.

“Cần nói ngay từ đầu rằng, đây là giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải pháp chính để hết ngập, để người dân không quá kỳ vọng” - PGS-TS Hồ Long Phi lưu ý.

Theo đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, hiện nay trên địa bàn toàn thành phố, cần phải xây dựng 104 hồ điều tiết giúp thu gom nước mưa trong điều kiện biến đổi khí hậu gây mưa vượt tần suất. Ngoài hồ điều trên đường Võ Văn Ngân mới hoàn thành, đến nay, một số hồ khác đang trong giai đoạn tìm vốn, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng như hồ điều tiết Khánh Hội (quận 4), hồ điều tiết Bàu Cát (Tân Bình), hồ điều tiết Gò Dưa (Thủ Đức),…

Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, sau khi thực hiện thí điểm hồ điều tiết tại Q.Thủ Đức đạt hiệu quả, TP sẽ xem xét triển khai chống ngập nước ở các khu vực khác. Trong đó, dự kiến sẽ xây dựng một hồ điều tiết thông minh chống ngập nước trong khu đất sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn giáp đường Trường Chinh mà Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao về cho thành phố để chống ngập nước cho khu vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn