MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chống tham nhũng: ĐBQH nói "tôi chống, anh chống, chúng ta cùng chống"

Nhóm PV LDO | 08/11/2022 12:25
Theo đại biểu Quốc hội, không ai có thể chia động từ chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống tội phạm một ngôi được, mà phải chia nhiều ngôi. "Có nghĩa là tôi chống, anh chống, chúng ta cùng chống. Có như vậy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới thành công được".

Tội phạm tham nhũng tăng 40%

Sáng nay (8.11), Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trình bày trước Quốc hội báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Theo Đại tướng Tô Lâm, trong năm 2022 đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, cụ thể đã khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can. Trong khi đó, phát hiện 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%, trong đó khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can.

Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, cụ thể các vụ án như vụ Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty cổ phần ASA.

Sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như vụ án Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh - cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Cạnh đó là sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu. Dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng, thời gian qua, việc chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả tích cực và có nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Từ những bài học đó, chúng ta thấy được đầu tiên phải rà soát lại các lỗ hổng của cơ chế, chính sách, đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: VT 

"Tội phạm tham nhũng, tiêu cực có hiện đại, phức tạp đến mấy đều do con người quyết định. Bởi vậy, yếu tố con người trong một tổ chức, đơn vị hành chính, cũng như đúng đầu một cộng đồng… rất quan trọng. Người đứng đầu mà có uy tín sẽ thay đổi được hành vi của một tổ chức, một nhóm người, hướng mọi người đến những điều tốt đẹp, tích cực", ông nói.

Không ai chia động từ "chống tham nhũng" một ngôi được

Cũng theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, để phòng chống tội phạm tham nhũng, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay, chung sức, chung lòng, chung hành động.

"Không ai có thể chia động từ chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống tội phạm một ngôi được, mà phải chia nhiều ngôi. Có nghĩa là tôi chống, anh chống, chúng ta cùng chống, có như vậy mới thành công được.

Và muốn làm được như vậy, cần có chính sách khuyến khích cán bộ dám chống, dám làm, dám lên tiếng và công tác tuyên truyền phải rất tốt.

Chừng nào mọi người chung nhận thức thì mới có thể chung hành động để thay đổi hành vi của mọi người. Sự phối hợp luôn luôn phải bao trùm trong thực tiễn", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho hay.

Trả lời câu hỏi về việc tội phạm tham nhũng, kinh tế tăng 40% nói lên điều gì, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - cho rằng, con số này thể hiện công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua rất quyết liệt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: N.H 

Chính vì quyết liệt, cho nên đã phát hiện ra nhiều vụ việc tham nhũng. Có những vụ việc từ nhiều năm trước chưa phát hiện được, giờ đã phát hiện, kể cả những vụ việc gần như chìm vào quên lãng. "Đây là thành công trong công tác phòng chống tham nhũng, chứ không phải tình trạng tham nhũng tăng lên", ông nói. 

Bên cạnh đó, theo ông Cường, cũng có những vụ việc vừa mới xuất hiện, chúng ta phát hiện ngay. Điển hình là những vụ việc trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19 như các vụ mua sắm trang thiết bị y tế, kit test...

"Đây là những vụ việc chưa có trong tiền lệ. Bởi khi thực hiện những công việc được phép làm trong bối cảnh đặc biệt, cho nên có nhiều đơn vị chưa chú trọng trong công tác quản lý chặt chẽ, không ý thức được tính chất tự tuân thủ các quy định của pháp luật nên dẫn đến sai phạm", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn