MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Văn Cuông - Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Chống tham nhũng để loại ra "sâu mọt", làm cho bộ máy tinh thông, uy tín

VƯƠNG TRẦN LDO | 24/06/2018 15:15
“Khi tham nhũng bị ngăn chặn, được đẩy lùi sẽ mở đường cho xã hội trong sáng, văn minh” – ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã nói như vậy khi trao đổi với PV Lao Động sáng 24.6.

Nói về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vấn đề phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được nhân dân quan tâm.

Ông Cuông nhấn mạnh: Trong khoảng thời gian 2 năm gần đây, nhất là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động việc đấu tranh PCTN, gắn vấn đề giữ lời nói đi đôi với thực hiện thì công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

“Những thông điệp, những câu nói rất bình dị của Tổng Bí thư như “lò đã cháy lên rồi thì củi tươi, củi khô cũng phải cháy”, hay “PCTN, ai chùn bước thì đứng sang một bên” và những lời đó nói đi đôi với làm, làm có hiệu quả, làm đến nơi đến chốn, không né tránh, không có vùng cấm đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và cử tri” – ông Cuông nói.

Theo ông Cuông, từ vụ việc xử lý Trịnh Xuân Thanh xuất hiện, không để việc “chìm xuồng sai phạm”, xử lý nghiêm như tiếng súng báo hiệu thời kỳ cuộc chiến chống tham nhũng đi vào thực tế quyết liệt, có chuyển biến mạnh mẽ.

Việc này được thể hiện rõ từ trong xử lý vi phạm, không có vùng cấm trong xử lý cán bộ vi phạm, cho dù người đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, kể cả những cán bộ đã về hưu, tướng lĩnh công an, quân đội đều bị xử lý và bình đẳng trước pháp luật. “Không có việc hạ cánh an toàn hay “chuyển vùng an toàn”, không phải chịu trách nhiệm trước những hành vi sai trái.

Ông Cuông cũng cho rằng, công tác PCTN thời gian qua đã tập trung xử lý hàng loạt vấn đề lớn, nhỏ khác nhau. Xử lý nghiêm từ trên xuống dưới, từ những vấn đề ở trung ương như “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát kinh tế đến những vụ việc công tác cán bộ có dấu hiệu bất minh ở các địa phương… Việc xử lý những vụ việc này được thể hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch, không có chuyện nương nhẹ hay “xử lý kín, không rõ kết quả” do vậy nhân dân rất đồng thuận.

Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận, công tác PCTN cũng gắn với dấu ấn và quyết tâm rất lớn từ người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng với vai trò hỗ trợ đắc lực của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW), những vụ việc lớn, vụ việc nghiêm trọng liên quan tới nhiều cán bộ cấp cao đã được đưa ra ánh sáng. Có những đối tượng lâu nay người ta hay cho rằng là địa chỉ cấm, vùng cấm đều bị xử lý với những hình phạt rất nghiêm.

Việc kết luận và xử lý các vi phạm theo nguyên tắc sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, được thực hiện một cách công khai, minh bạch, càng tạo thêm niềm tin của người dân, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ông Cuông cũng cho rằng, nếu bộ máy còn tồn tại nhiều “sâu, mọt” tham nhũng thì đất nước rất khó phát triển. Tham nhũng như giặc nội xâm, phá hoại đất nước, khiến đất nước rơi vào tình trạng “nợ như chúa Chổm”, làm nghèo, kéo lùi sự phát triển của đất nước.

Chống tham nhũng để loại ra những “con sâu, con mọt” làm cho bộ máy tinh thông, có uy tín hơn. PCTN tốt là hỗ trợ cho phát triển kinh tế tốt, chống tiêu cực, chống rút ruột công trình, xóa đi “trở lực” hạn chế sự phát triển như sự nhũng nhiễu, hạch sách… Khi tham nhũng bị ngăn chặn, được đẩy lùi sẽ mở đường cho xã hội trong sáng, văn minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn