MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ ra mắt và phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020. Ảnh: DUY HIỆU

Chủ tịch ASEAN 2020: Phép thử cho sự trưởng thành của Việt Nam

HÀ LIÊN LDO | 03/01/2019 19:00

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng, việc đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 là cơ hội của Việt Nam thể hiện vai trò chủ nhà, là phép thử cho sự trưởng thành, đồng thời là dịp quảng bá đất nước để khu vực và thế giới hiểu hơn về Việt Nam.

Câu chuyện kỳ diệu, chất xúc tác cho hòa bình khu vực

Nửa thập kỷ qua, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận. ASEAN đem lại cho các nước thành viên những lợi ích to lớn của một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, một không gian hợp tác mở rộng quy tụ được hầu hết các cường quốc trong và ngoài khu vực.

Tại tọa đàm “ASEAN chặng đường sau 50 năm và Việt Nam” diễn ra hồi cuối tháng 11.2018, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, các nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN, nguyên Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa và nguyên Trưởng SOM Singapore Kishore Mahbubani trong các công trình nghiên cứu được công bố của mình gần đây đã nhận định: “ASEAN thực sự có vai trò” và là một “câu chuyện kỳ diệu, là chất xúc tác cho hòa bình ở khu vực”.

Theo ông, dù câu chuyện thành công của ASEAN đôi khi bị che lấp bởi những chỉ trích về việc ASEAN chưa đáp ứng được những kỳ vọng to lớn mà mọi người dành cho tổ chức này, “tuy nhiên, khách quan mà nói, khó có thực thể nào cho tới nay có thể đem lại cho các nước Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương những lợi ích to lớn của một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, một không gian hợp tác rộng mở quy tụ được hầu hết các cường quốc trong và ngoài khu vực”.

TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng chính trị - an ninh nhận định: “Sau 50 năm chúng ta có thể thấy ASEAN ngày nay đã đạt được những thành tựu to lớn như thế nào”.

Ông cho rằng, “ASEAN cũng là cơ chế xử lý một cách hòa bình những xung đột cũng như tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia. ASEAN đã tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định, và tạo sự tin cậy giữa 10 quốc gia thành viên, với những hệ thống kinh tế và chính trị rất đa dạng” đồng thời “vai trò của ASEAN đã được thừa nhận trên trường quốc tế”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng. Ảnh: BNG

Trách nhiệm duy trì đà tiến triển của ASEAN

Tiến sĩ Susilo Bambang Yudhoyono - nguyên Tổng thống Indonesia - từng nói: “Chúng ta không nên coi thành công của ASEAN là đương nhiên, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường, tái tạo sức mạnh của ASEAN”. Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN từ ngày 1.1.2020. Trọng trách của Việt Nam là phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN, với các ưu tiên về đẩy mạnh thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nâng cao khả năng thích ứng của ASEAN trước những đổi thay của môi trường khu vực và quốc tế, giữ vững vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực cũng như phát huy vai trò của ASEAN ở tầm toàn cầu.

Cho rằng có nhiều điều để học hỏi về ASEAN khi “ASEAN đã cho thế giới thấy họ có thể hợp tác rất hiệu quả trong nhiều nền kinh tế đa dạng, có thể đồng ý về nhiều điều chung và có sự thống nhất rất lớn” - TS Andrew Elek - Nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Quốc gia Australia - nhận định, trong tương lai để phát triển thịnh vượng, ASEAN cần tiếp tục “nuôi dưỡng được niềm tin lẫn nhau” và “xây dựng lòng tin là chìa khóa để hợp tác hiệu quả”.

Chia sẻ với báo giới bên lề lễ ra mắt và phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 mới đây, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 cho biết, các công việc chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều tháng. Trước hết là việc tổ chức bộ máy thu xếp công tác chuẩn bị cho năm 2020.

Tiết lộ về các định hướng trọng tâm, ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, còn quá sớm để nói tới các ưu tiên, chủ đề của năm 2020. Dù vậy, Việt Nam đã chuẩn bị từ rất sớm và đang trong quá trình trao đổi, tham khảo ý kiến nội bộ Việt Nam cũng như tham khảo các nước.

“Tôi cho rằng, chủ đề, ưu tiên của Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có sự kế thừa chủ đề và ưu tiên các năm trước đây, đặc biệt là của Philippines, Singapore và Thái Lan; đồng thời vừa phải hài hòa với quan tâm chung của các nước thành viên cũng như các đối tác ASEAN, đương nhiên phải vừa đáp ứng và phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Hướng là chủ đề nên ngắn gọn, có tính tổng quát cao, đáp ứng tính xây dựng Cộng đồng, tính đến quan hệ, vị thế của ASEAN, sự thích ứng của ASEAN trong một khu vực, quốc tế đang thay đổi” - ông nói.

Đánh giá về trách nhiệm và cơ hội của Việt Nam khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Đúng là Việt Nam vừa có trách nhiệm vừa có cơ hội. Trách nhiệm ở đây trước hết là đến lượt Việt Nam làm Chủ tịch theo luân phiên. Trách nhiệm thứ hai là phải làm sao duy trì được đà tiến triển của ASEAN.

Những gì ASEAN đã đạt được thì Việt Nam cần phát huy, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vững mạnh hơn. Đồng thời Việt Nam phải dẫn dắt để ASEAN không những vững mạnh về mặt nội bộ, mà còn phải tăng thêm uy tín, vai trò ở khu vực cũng như đóng góp vào tiến trình, sự quan tâm của toàn cầu.

Đây cũng là cơ hội của Việt Nam trong việc thể hiện vai trò chủ nhà, là phép thử cho sự trưởng thành; là cơ hội rất tốt để phát huy khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt Cộng đồng ASEAN, quảng bá đất nước để khu vực và thế giới hiểu hơn về Việt Nam”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn