MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ tịch Hà Nội đề xuất đấu giá biển số ô tô ở mức 100 triệu đồng tại hai thành phố lớn

Nhóm PV LDO | 26/10/2022 11:06

Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội đặt vấn đề, trong quá trình tổ chức đấu giá biển số xe theo nhu cầu sẽ phát sinh tình huống người đã có ôtô, xe đã có biển số nay muốn đấu giá lấy biển số mới, để đổi biển cũ thì có được phép? Từ đó, đại biểu cho rằng, nên cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.

Có được đấu giá biển số xe mới trả biển cũ?

Sáng nay (26.10), tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 4, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích, trong quá trình tổ chức đấu giá biển số xe theo nhu cầu sẽ phát sinh tình huống người đã có ôtô, xe đã có biển số nay muốn đấu giá lấy biển số mới để đổi biển cũ thì có được phép? Từ đó, đại biểu cho rằng, nên cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.

Về mức giá khởi điểm, đại biểu Trần Sỹ Thanh đề xuất, Nghị quyết chỉ nên đưa ra mức tối thiểu, sau đó giao cho các địa phương tự quyết mức giá, giá khởi điểm. Nguồn thu từ việc đấu giá thì ngân sách địa phương được thụ hưởng.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh đề xuất, dự thảo Nghị quyết nên đưa ra mức giá tối thiểu, nhưng mức giá cần đưa lên cao hơn. “Mức giá tối thiểu nên ở mức 100 triệu đồng áp dụng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Còn các địa phương thì ở mức tối thiểu 50 triệu đồng” - ông Thanh nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh (đoàn Hà Nội) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận định, giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào không thể thực hiện được.

Mức giá 40 triệu đồng là ngang bằng với lệ phí trước bạ ôtô ở Hà Nội và TPHCM, 20 triệu là phí áp dụng ở các địa phương khác. Trường hợp chỉ quy định 1 mức giá chung thì nên để 40 triệu đồng là hợp lý. 

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ôtô thông qua đấu giá, Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, việc này nhiều nước trên thế giới như Anh, Australia… đã triển khai cách đây khá lâu.

Ở Việt Nam, từ năm 1993, 2008 đã đặt ra vấn đề này nhưng do thiếu cơ chế pháp lý nên chưa triển khai được. Việc đấu giá biển số xe đảm bảo ích nước lợi nhà, công khai minh bạch nên cần được thực hiện sớm trên phạm vi toàn quốc.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào. Hiện có ý kiến cho rằng phải có xe mới đăng ký tham gia đấu giá biển và có quyền sử dụng suốt đời biển số đó. 

Đấu giá biển số xe lẽ ra phải làm từ lâu để đảm bảo minh bạch

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, việc tổ chức đấu giá biển số ôtô lẽ ra phải thực hiện từ lâu vì nó đảm bảo minh bạch, công bằng, tránh dư luận không tốt. Hơn nữa, thực tế có nhiều người mong muốn biển số “đẹp”.

Cùng theo đại biểu Duyệt, quyền của người trúng đấu giá là điểm quan trọng nhất, người dân bỏ tiền ra để đấu giá thì phải có quyền sở hữu. 

Vấn đề đặt ra là xe đã có biển nhưng chưa ưng ý nếu đấu giá được biển đẹp hơn thì có được thay? Điều này phải quy định rõ. Bên cạnh đó, nếu hết thời hạn thí điểm 3 năm người trúng đấu giá phải tiếp tục được sở hữu biển số này coi đó là tài sản tư.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nhất trí với tên gọi dự thảo Nghị quyết. Theo đại biểu, tên gọi này phù hợp và có sức bao trùm những vấn đề Chính phủ đang trình. 

Theo quy định, khi chúng ta cấp biển số xe sẽ đưa tất cả biển số đó trong kho số cấp trên không gian thông tin để mọi người lựa chọn. Mỗi người có những quan điểm lựa chọn khác nhau. Từ đó có thể khai thác tối đa kho số đấu giá để tăng thu ngân sách tốt hơn.

Đại biểu Thanh cũng cho rằng, chúng ta có thể khai thí điểm trên toàn quốc là phù hợp. Về mức giá, đại biểu cho rằng, việc phân chia giá khởi điểm khác nhau như TPHCM, Hà Nội và các thành phố khác trong dự thảo là phù hợp.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) đặt câu hỏi, với những người dân bình thường không đâu giá thì thì quyền của người dân như thế nào?

"Nếu chúng ta đưa hết những số trong kho số dự kiến cấp trong thời gian nhất định lên mạng thì trong thời gian đó những người không muốn đấu giá, muốn bấm biển số bình thường thì thực hiện thế nào?" - đại biểu Phương nêu ý kiến và cần phải tính toán kỹ lưỡng việc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn